Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất không phải là “chuyện bây giờ mới tính”. Ngay từ khi NMLD Dung Quất cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào tháng 9/2009, bên cạnh sự bắt nhịp để vận hành tốt, tập thể lãnh đạo đơn vị đã phải tính ngay đến phương án hoạt động tối ưu hơn nữa cho NMLD Dung Quất. Là bởi, NMLD Dung Quất hiện tại chỉ có thể lọc được các dòng dầu thô trong nước, mà nguồn cung cấp chính là từ mỏ Bạch Hổ. Song theo dự báo, mỏ Bạch Hổ sẽ cạn kiệt dầu thô trong vòng 10 năm tới, tính từ thời điểm năm 2009. Trên thực tế vào thời điểm này, mỏ Bạch Hổ đang giảm sản lượng khai thác. Nguồn dầu thô cung cấp cho NMLD Dung Quất vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Nguyễn Hoài Giang.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mỏ Bạch Hổ giảm khai thác không đơn thuần do cạn kiệt nguồn, mà chính là chi phí khai thác khá cao so với giá dầu trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến áp lực mở rộng - nâng cấp phải được tiến hành nhanh hơn, nhằm có thể sử dụng nguồn dầu thô đầu vào chua và nặng nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, giá thành nhập dầu thô từ mỏ Bạch Hổ quá cao, chiếm đến 95% giá thành sản phẩm, cũng là rào cản rất lớn kiến lợi nhuận của nhà máy không đủ sức cạnh tranh với các dự án lọc dầu ra đời sau có ưu điểm vượt trội về công nghệ.
Trò chuyện cùng chúng tôi trong những ngày đầu tháng 8/2015, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Hoài Giang, đã thông báo những bước cơ bản về tiến độ thực hiện dự án mở rộng - nâng cấp nhà máy. Đầu tiên, ngay trong tháng 9/2015, thực hiện lựa chọn xong nhà thầu thiết kế tổng thể (FEED). Phải lựa chọn kỹ nhà thầu tổng thể là bởi với những công trình có giá trị trên 100 triệu USD đã phải cần đến nhà thầu tổng thể, trong khi dự án mở rộng-nâng cấp NMLD Dung Quất có giá trị gần 2 tỷ USD. Sau khi chọn được nhà thầu tổng thể nhằm tính toán một cách chi tiết nhất chi phí cho dự án thì mới đến việc chọn nhà thầu EPC: Thiết kế, mua sắm, lắp đặt và chạy thử. Dự kiến, việc chọn xong nhà thầu EPC và ký kết hợp đồng chính thức phải hoàn thành trong năm 2017, bước vào năm 2018 sẽ tiến hành tuần tự các bước của hợp đồng EPC và hoàn thành dự án trong năm 2020 hoặc 2021.
Nếu việc nâng cấp - mở rộng NMLD Dung Quất vận hành theo đúng lộ trình, thì cũng phải mất ít nhất 7 năm nữa những sản phẩm đạt chuẩn Euro 5 mới ra đời. Liệu lúc đó NMLD Dung Quất với công suất tăng lên 8,5 triệu tấn/năm có còn giữ được thị phần cung ứng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước hay không, đây là một thách thức không nhỏ.
Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc Cty TNHH MTV LHD Bình Sơn (phụ trách tài chính) nhận định: Nếu nhìn vào bản đồ tiêu thụ xăng dầu của nước ta, sẽ dễ dàng nhận ra hai đầu đất nước có chỉ số tiêu thụ vuột trội hơn, NMLD Dung Quất lại nằm ở điểm giữa, vì vậy sức cạnh tranh, nhất là lợi thế cung ứng sẽ không bằng các dự án khác. Ngoài ra, các dự án ra đời sau và có yếu tố đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt hơn. Ví dụ, những ưu đãi hiện nay của NMLD Dung Quất đang được hưởng lại chính là chính sách ưu đãi dành cho các dự án đầu tư của nước ngoài về lọc hóa dầu, chúng ta chỉ hưởng theo. Khi các dự án kia đi vào hoạt động, chúng ta phải cạnh tranh sòng phẳng với họ. Và, thời điểm cạnh tranh khốc liệt kia sẽ không còn xa nữa, khi dự kiến năm 2018 dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đi vào hoạt động chính thức.
Điểm mạnh nhất có thể cạnh tranh của NMLD Dung Quất hiện tại và trong tương lai, khi nhà máy hoàn thành công tác mở rộng, nâng cấp là gì? Chúng tôi đặt câu hỏi với Tổng giám đốc CTy TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, ông Đình Văn Ngọc. “Ưu thế lớn nhất của NMLD Dung Quất chính là yếu tố con người. Từ chỗ có cả ngàn chuyên gia nước ngoài tham gia vận hành nhà máy, đến nay số chuyên gia nước ngoài thường xuyên làm việc tại nhà máy chỉ còn vài chục. Hàng ngàn kỹ sư, chuyên gia và công nhân người Việt đã có gần 7 năm “thử lửa” tại nhà máy, chính họ sẽ là tài sản quý báu nhất của chúng tôi hiện nay”, ông Ngọc nói.
Tuy vậy, theo lời ông Ngọc, mọi lợi thế trên cũng chỉ là tiền đề cho những thử thách sắp tới, khi mà vừa qua, Bộ Chính trị đã Ban hành Nghị quyết số 41 về chiến lược phát triển của ngành dầu khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó nhấn mạnh tới việc tập trung phát triển khí hóa dầu, xây dựng Việt Nam thành một trung tâm lọc hóa dầu có tầm cỡ trong khu vực. Bằng cách tích hợp lọc dầu + khí hóa dầu, sẽ tạo năng lượng chạy các nhà máy điện với nguyên liệu khí, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng từ khí hóa dầu, mà dự án trọng điểm không kém việc nâng cấp, mở rộng là đưa khí vào bờ từ mỏ khí Cá Voi Xanh ngoài khơi Việt Nam, cách Dung Quất chưa đến 100 km.
Với sự hợp tác tích cực của Exxon Mobil - một tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Hoa Kỳ, có tổng doanh thu lớn nhất thế giới với 404,5 tỷ USD vào năm 2007- việc khai thác và đưa vào bờ dòng khí từ mỏ Cá Voi Xanh là hoàn toàn khả thi. Đây là cơ hội rất lớn để xây dựng NMLD Dung Quất thành một liên hợp lọc hóa dầu - khí hóa dầu- điện khí lớn nhất khu vực. Song, bài toán khó nhất để dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ thành hiện thực, theo Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc, chúng ta phải thiết lập một kế hoạch tiêu thụ hết số khí đó khi đưa vào khai thác. Bởi, nguồn khí khác với dầu thô hay các sản phẩm từ lọc hóa dầu là không thể dự trữ được. Một trong những lời giải có sức thuyết phục nhất là sử dụng nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh làm nguồn năng lượng chính để vận hành các nhà máy phát điện dùng cho hoạt động của toàn NMLD Dung Quất sau khi hoàn thành mở rộng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, dự án mở rộng và nâng cấp cũng phải tính đến việc thay thế các nhà máy phát điện trong tương lai, vốn vận hành từ nguồn dầu diezen do nhà máy lọc ra.
Nghị quyết Đảng bộ khóa II của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vừa ban hành đã nhấn mạnh một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm là lọc hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí). Đây là tiền đề, là định hướng chiến lược phát triển của ngành dầu khí và NMLD Dung Quất, hơn bao giờ hết đang đứng trước những vận hội rất lớn để có thể thực hiện hiệu quả từ những nguồn tài nguyên sẵn có, nguồn nhân lực sẵn có, thành một trong những trung tâm lọc hóa dầu hàng đầu của đất nước. Ông Nguyễn Hoài Giang cho biết, ngoài việc lọc được các loại dầu nhập khẩu trên thế giới, NMLD Dung Quất đi vào hoạt động sau khi đã nâng cấp - mở rộng phải đạt được nhiều tiêu chuẩn mới, như: Khí thải, nước thải, sản phẩm thân thiện với môi trường, điều quan trọng hơn cả là phải đạt chứng chỉ tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cho sản phẩm đầu ra. Điều này cũng đồng nghĩa với hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn, tạo ra sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế, bởi xu hướng sắp tới các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam đều được đầu tư từ nước ngoài, với dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một ví dụ. |