Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tiếng khèn người Mông - âm vang rẻo cao


Giai điệu núi rừng. 

1. Tôi nhớ, lần đầu lên Sa Pa, buổi tối co ro với giá lạnh nơi gác trọ. Không gian yên ắng dần bởi cái rét đến thấu xương, bỗng nghe thấy tiếng khèn vọng lại. Tiếng khèn như được cất lên quanh một đống lửa, nơi đồng bào đi chợ phiên sớm mai, hẹn nhau về đây quây quần. Tiếng khèn gọi bạn, rồi đâu đó nhiều tiếng khèn cất lên tương ứng, ai cũng như nhẹ lời, bớt tiếng động để đắm chìm trong tiếng khèn miên man. Âm thanh nhũn nhặn mà tình tứ, không phô phang, kiêu sa. Chính sự dung dị đã đưa tiếng khèn lên một bậc cao của sự thanh khiết, trong vắt, cuốn hút.
Hành trang của người đàn ông dân tộc Mông bao giờ cũng có chiếc khèn, được chế tác từ sáu ống nứa ghép với nhau qua một chiếc bầu gỗ.
Chiếc khèn có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mông. Trước đây, nó là công cụ “gọi hồn” để người chết biết tìm đường về với tổ tiên, họ hàng. Bây giờ, chiếc khèn còn là thứ nhạc cụ để múa hát trong những ngày lễ hội, Tết cổ truyền và là phương tiện để tỏ tình của các chàng trai người Mông.
 
Theo tiếng Mông, “Tha” là nhảy, “Kềnh” là “Khèn”, “Tha Kềnh” nghĩa là “Nhảy Khèn”. Chiếc Khèn được coi như biểu tượng cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, được các nghệ nhân tài hoa chế tác một cách khéo léo, sắp xếp, có sự tính toán để âm thanh phát ra đủ cung bậc trầm bổng.
 

Chiếc khèn gắn bó với người Mông.
 
Chiếc Khèn gắn với “Tha Kềnh” như hai yếu tố không thể tách rời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông trên miền núi cao.
 
“Tha Kềnh” bắt nguồn từ việc làm đám ma tiễn đưa người đã khuất về cõi âm. Nhưng cũng có thể là “Múa Khèn” trong dịp đón Xuân. Những lúc vui Tết, người thổi khèn sẽ thổi những bài nhạc có giai điệu tươi vui, kể về đời sống lao động, sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình bạn bè thắm thiết. “Tha Kềnh” ngày càng cuốn hút, gọi mời nhiều người đến xem và tham gia, tạo thành vòng trong, vòng ngoài. Họ nhảy quanh những người thổi khèn, từng bước nhún nhảy, xoay vòng theo nhịp khèn.
 
2. Nghề làm khèn cũng thật công phu. Trước tiên là phải lựa được thân khèn bằng một loại gỗ họ thông, thớ gỗ thẳng, không mối mọt. Cây gỗ sau khi được chặt xuống, phải ngay lập tức cắt khúc dày từ 80 - 90cm, bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt để nhựa tự kết dính.
 
Những đoạn gỗ tươi này được đem về để khô trên gác bếp, rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân để lồng các ống trúc vào. Ống làm khèn là những thân trúc trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, để khô mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn.

Chế tác khèn.
 
Sở dĩ phải sấy khô cả thân và ống trúc để vừa chống mối mọt, vừa tạo ra độ chính xác cao khi khoét gióng đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió và khi gặp thời tiết thất thường ít bị co giãn, nứt nẻ. Cuốn quanh thân khèn là loại dây được tách từ vỏ cây đào rừng, vừa để giữ chặt bầu khèn, vừa mang tính trang trí.
 
Để làm bầu khèn, người thợ phải tìm được loại gỗ không mối mọt như gỗ pơ mu hoặc cây gỗ thuộc họ thông. Sau khi tìm được loại gỗ thích hợp, người thợ sẽ chế tác, tạo hình cho khúc gỗ đó thành bầu khèn, bổ đôi và khoét rỗng bầu. Để gắn lại hai mảnh bầu khèn, người làm khèn thường chọn vỏ của cây đào rừng vì nó vừa làm chặt bầu khèn, vừa giữ âm tốt và trang trí cho bầu khèn đẹp hơn. 
 
Bộ phận phối khí của cây khèn là những ống trúc được chọn lọc kỹ càng. Sau khi lấy ở rừng về phải để một thời gian dài, chờ thanh trúc khô lại mới lấy làm ống khèn. Một cây khèn thường có 6 ống được gộp chụm lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo đục lỗ trên mỗi ống. Khó nhất trong các công đoạn làm khèn là rèn “lưỡi gà” và chỉnh âm. “Lưỡi gà" của khèn được làm từ loại đồng nguyên chất, được rèn cẩn thận, tán mỏng. Người thợ sẽ thử "lưỡi gà" bằng cách đập nhẹ vào tay rồi đưa lên tai nghe thử. Người mới làm khèn không phải ai cũng biết cách chỉnh âm. 


Thử khèn ở chợ phiên.
 
3.Nhìn cây khèn ai cũng nghĩ là đơn giản, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều tâm huyết. Làm khèn không dùng thước mà đo bằng tay, tính bằng mắt. Cái linh thiêng của thứ nhạc cụ tâm linh sử dụng trong các nghi thức cúng tế của người Mông cần tới cái tâm chay tịnh của chủ nhân tạo nên nó. Chế tác một cây khèn hay cần sự khoáng đạt của đại ngàn bất tận, nên khèn thường được làm trực tiếp tại bản.
 
Tới thăm gia đình cụ Mùa A Sung ở Tả Van (Sa Pa), cụ tâm sự: Người Mông ở Sa Pa và nhiều nơi khác coi khèn là báu vật, phải truyền cho nhau biết cách làm khèn. Nhiều gia đình 2, 3 đời cùng làm, truyền nghề cho nhau. Thanh niên cũng học, trẻ con cũng tập làm khèn tại nhà, tại bản. Cũng là cái khèn, nhưng có nét riêng của mỗi người, mỗi nhà. Con trai phải có cái khèn, thổi khèn hay mới xứng đáng, mới có con gái theo. Khèn còn để mọi người hiểu biết hơn về văn hóa của người Mông, khách du lịch từ xa đến tận bản để nghe tiếng khèn và xem bà con làm khèn!

                                                                                    
Múa khèn.
 
Cây khèn rất quan trọng đối với người Mông và được xem là một vật mang giá trị tâm linh. Khèn được dùng nhiều trong các dịp lễ hội, chợ tình, kết duyên nam nữ. Cây khèn luôn gắn bó với họ kể cả khi đi làm nương. Lúc ấy, tiếng khèn cất lên sẽ thay cho những lời nói, tâm tư và cả những ước mong về những điều bình dị nhất trong cuộc sống. Tiếng khèn sẽ “hóa giải” cho những thứ không thể diễn tả bằng lời. Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Bài khèn trong đám tang như điếu văn cho một đời người.
 
Người Mông thổi khèn để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình. Nghe tiếng khèn người Mông như quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống. Ở mỗi dân tộc đều có bờ hoa nghệ thuật, ẩn hiện rằng bên tình yêu thương, khát vọng kết tình rầu rãi qua thời gian, như chùm hoa bền gan trên đá. Sống trong tiếng khèn người Mông là sống trong một thế giới nhịp điệu của rừng núi, muông thú, gió, nước, đất, đá… lúc gần lúc xa.
 
 

Nguyễn Sơn Hòa/GĐTE