Đây là khẳng định của ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (03/12) và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật theo hình thức trực tuyến, diễn ra sáng 2/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi tới dự và chỉ đạo.
Theo ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, năm nay, Liên hợp quốc kỷ niệm ngày đặc biệt này với chủ đề: "Quyền lãnh đạo và tham gia của NKT hướng tới một thế giới hậu Covid-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững", trong đó nêu lên những thách thức gia tăng mà NKT phải đối mặt trong đại dịch Covid-19 và hướng tới mục tiêu, đảm bảo quyền lãnh đạo và tham gia có ý nghĩa của NKT trong tương lai, toàn diện hơn, với tiếp cận thuận lợi hơn, và bền vững hơn cho tất cả mọi người, sau khi virus được kiểm soát.
Dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói, NKT là "một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19". Chúng ta phải đảm bảo không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và rủi ro đối với NKT trong đại dịch Covid-19.
Việt Nam đã thể hiện sự lãnh đạo toàn diện trong việc kiểm soát đại dịch. Công cuộc sống chung với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch mang lại cho Việt Nam cơ hội mở rộng năng lực lãnh đạo và xây dựng tương lai tốt hơn, thông qua tăng cường bảo vệ người khuyết tật và đem lại cơ hội bình đẳng cho NKT đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau đại dịch của đất nước.
Đại diện UNDP cho rằng tiếng nói của NKT nên được lắng nghe ngay từ khi bắt đầu quy trình xây dựng một luật hoặc chính sách mới. Tới đây Luật NKT và các chính sách liên quan khác sẽ được sửa đổi, do đó đây là thời điểm quan trọng để các tổ chức của NKT tham gia vào trong toàn bộ quá trình ra quyết định. Các tổ chức của NKT sẽ giúp đảm bảo sự đại diện và đa dạng quan điểm từ NKT để tối đa hóa phạm vi chính sách, nhằm thực hiện quyền của tất cả NKT, bao gồm các nhóm bị thiệt thòi và nằm ở khu vực liên ngành, chẳng hạn như phụ nữ và trẻ em khuyết tật, NKT là người dân tộc thiểu số.
NKT không chỉ cần được tham gia xây dựng các chính sách về NKT, mà cần được tham gia và nhu cầu của họ cần được lồng ghép vào các chính sách quốc gia về phát triển. Điều này được chứng minh thông qua dữ liệu chuyên biệt về khuyết tật, lập ngân sách và lập chương trình tuân thủ CRPD, quản trị bao trùm lồng ghép chính sách khuyết tật, và trách nhiệm giải trình.
NKT cần được nhận diện và đưa vào trung tâm của các chiến lược phát triển bền vững. Chỉ khi tiếng nói của họ được lắng nghe, và khi quyền của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả NKT, được thực hiện, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
“UNDP cam kết hợp tác với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường hỗ trợ NKT ở Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt trong bối cảnh Covid-19, xem NKT là đối tác quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ NKT nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ để đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước” - ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 6 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ NKT khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính vì thế, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành sự quan tâm, chăm lo sâu sắc cho NKT. Hằng năm, ngân sách nhà nước đã giải quyết trợ cấp xã hội, phát thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 1,1 triệu NKT. Trong đó, nhiều trường hợp NKT có điều kiện khó khăn được đưa vào các trung tâm phục hồi chức năng và các cơ sở BTXH trên cả nước; Trung bình mỗi năm khoảng 20.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, hàng trăm nghìn học sinh khuyết tật được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập và các phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy,…); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc TW xây dựng các mạng lưới phục hồi chức năng…
Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội cho rằng nhận thức của toàn xã hội và của NKT về vấn đề hoà nhập khuyết tật đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Các cách tiếp cận vấn đề của NKT được chuyển từ mô hình từ thiện sang mô hình xã hội, dựa trên quyền của NKT, toàn xã hội chung tay dỡ bỏ rào cản đối với NKT và bản thân NKT chủ động xoá bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua định kiến. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19 vẫn còn rất nhiều NKT gặp khó khăn, rào cản trong cuộc sống hàng ngày, cần sự chung tay góp sức của cả xã hội.
Tại chương trình, các đại biểu tại các điểm cầu online đã kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác truyền thông về NKT; hỗ trợ chuyển đổi số trong xác định mức độ khuyết tật; Hỗ trợ các kênh vay vốn dễ tiếp cận cho NKT; Giảm chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người khuyết tật; nghiên cứu cấp giấy phép lái xe cho NKT đủ điều kiện...