Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tiếp sức cho người lao động

(Dân sinh) - Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Những ngày qua, trong nước luôn ghi nhận những con số kỷ lục về số ca mắc Covid-19, trên dưới 1.000 ca/ngày.

Người lao động và doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề trước tác động của đại dịch. Trước khó khăn đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

Đây là gói hỗ trợ thứ hai được đưa ra sau 1 năm rưỡi Việt Nam đối mặt với 4 làn sóng Covid-19 khiến hàng triệu lao động và nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tiếp sức cho người lao động - Ảnh 1.

Người lao động và doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề trước tác động của đại dịch.

So với Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết số 68 được mở rộng thêm đối tượng người lao động và tăng mức hỗ trợ là một cố gắng lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp vẫn băn khoăn, liệu điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ có thông thoáng hơn gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP?

Được biết, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 được xây dựng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ cách triển khai ở gói hỗ trợ trước; có sự chia sẻ thông tin, thảo luận giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự lắng nghe tích cực từ cơ sở, phía người sử dụng lao động và các địa phương đã trải qua các đợt dịch nên hoàn toàn có cơ sở để tin rằng gói hỗ trợ lần này sẽ thiết thực, có tính khả thi và đáp ứng được mong mỏi của người lao động.

Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, sẽ giảm thiểu tối đa các loại "hàng rào kỹ thuật" trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng để người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có thể dễ dàng tiếp cận và thật sự đạt được mục đích đề ra. "Lần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp này đã quán triệt tinh thần: Thủ tục gì mà luật không bắt buộc thì bỏ qua không cần. Chẳng hạn, sẽ không có quy định doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ phải đảm bảo điều kiện đã trả trước 50% lương ngừng việc cho người lao động hay đã sử dụng hết quỹ tiền lương...", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Ngay cả người lao động thuộc diện được thụ hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này của Chính phủ chắc chắn cũng sẽ không bị chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền bắt chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin xác nhận đủ loại giấy tờ. Chỉ cần chứng minh (đơn giản) đúng đối tượng thuộc diện thụ hưởng là được nhận tiền hỗ trợ. "Theo Nghị quyết số 42 trước đây, việc giải ngân khó khăn do có nhiều thủ tục, nhiều nơi, cán bộ cơ sở phải đi lại nhiều lần, rất vất vả. Vì vậy đợt này, Chính phủ giao địa phương tự quyết định đối tượng, mức hỗ trợ tùy khả năng ngân sách cũng như huy động ở địa phương. Chính phủ đưa ra quy định mức hỗ trợ tối thiểu là 1,5 triệu đồng/tháng/người", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đã đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Để việc hỗ trợ đến được với người lao động một cách kịp thời, giờ là cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và chủ động của UBND các tỉnh, thành phố trong việc xác định "đối tượng bị tổn thương nhất, cần hỗ trợ cấp bách nhất". Người dân mong ngóng sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

HÀ HUY LINH 
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ