Nội dung, yêu cầu của cải cách hành chính trong đó có cải cách thể chế và thủ tục hành chính không chỉ trở thành nội dung, yêu cầu của quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Vụ - với chức năng của một cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ quản lý nhà nước về lao động, mà còn trở thành chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi phòng ban, mỗi cán bộ đảng viên, công chức trong Vụ.
5 năm vừa qua, với nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn 2012, Vụ đã nghiên cứu, tham mưu những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý, đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện các bên trong quan hệ lao động. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc của thị trường, đồng thời nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tạo điều kiện huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, tiền lương, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhận thức được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ tục hành chính trong việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính luôn được Lãnh đạo Vụ quan tâm, trở thành yêu cầu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện và thực hiện nhiệm vụ của Vụ.
Có thể nói, đến nay hệ thống văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, quan hệ lao động theo Bộ luật Lao động (2012) được ban hành đầy đủ, điều quan trọng hơn, các nội dung quy định trong đó đã từng bước được đổi mới theo nguyên tắc thị trường và hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực thi các tiêu chuẩn, pháp luật về lao động, đồng thời góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Với đặc điểm của một cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực về lao động, tiền lương, quan hệ lao động, các chính sách, pháp luật ban hành có tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người lao động, trong điều kiện số lượng cán bộ công chức của Vụ luôn thiếu so với yêu cầu theo Đề án vị trí việc làm đã được thông qua, đạt được một số kết quả bước đầu trong cải cách thể chế, thủ tục hành chính trên là nhờ một số nguyên nhân:
Thứ nhất, sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân trong việc không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, trong đó: Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của doanh nghiệp, của dân tộc, của đất nước; nắm vững các quy luật vận động kinh tế thị trường, đặc biệt là thị trường lao động cũng như vai trò của nhà nước trong thực hiện quản lý lao động, tiền lương vận dụng một cách chọn lọc trong thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng, chính sách nhà nước vào lĩnh vực được phân công.
Thứ hai, nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ); cụ thể hoá các nội dung yêu cầu vào từng quy định cụ thể trong từng văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công; coi cải cách thể chế và thủ tục hành chính trở thành tiêu chí xem xét, thảo luận, thông qua dự thảo văn bản trước khi gửi lấy ý kiến hoặc trình ban hành. Tuân thủ các quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng đến báo cáo đánh giá tác động của các quy định, đánh giá thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo các văn bản trước khi trình ban hành đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính.
Thứ ba, cùng với quá trình nghiên cứu, ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, Vụ cũng phân công cán bộ chuyên môn, chuyên quản thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp về các quy định hành chính để hỗ trợ các Bộ ngành, địa phương trong việc nâng cao chất lượng cũng như giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Những kết quả đạt được như trên mới là bước đầu, trước yêu cầu đỏi hỏi ngày càng cao của quản lý, tập thể cán bộ Vụ Lao động – Tiền lương cam kết tiếp tục thực hiện cải cách hành chính nói chung, cải cách thể chế, thủ tục hành chính nói riêng, phấn đấu hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, góp phần thiết thực vào phong trào thi đua yêu nước của Ngành cũng như của cả nước.