Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030

 
Đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo GDNN chất lượng cao, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Minh Tuấn
 
Sự cần thiết đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN
 
Nghị quyết nêu rõ: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của toàn ngành, công tác GDNN bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN đã có những bước chuyển tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp; các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp...
 
Tuy nhiên, GDNN còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Tỷ lệ lao động được GDNN còn thấp, quy mô tuyển sinh chưa tương xứng với năng lực của hệ thống GDNN và nhu cầu của thị trường; cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn bất hợp lý; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN chưa cao.
 
Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền thiếu quyết liệt; nhận thức của xã hội về GDNN còn chưa đầy đủ; xã hội hóa GDNN còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia; tư duy bao cấp còn nặng, triển khai tự chủ với nhiều cơ sở GDNN còn chậm; hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu tính bền vững; chưa thực hiện tốt dự báo nhu cầu nhân lực làm cơ sở cho đổi mới kế hoạch hóa và nâng cao chất lượng GDNN.
 
Tình hình và nguyên nhân nêu trên đã đặt ra sự cấp thiết phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 
Cần tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN. Ảnh: Đức Huy
 
Mục tiêu và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
 
Nghị quyết đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống GDNN, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo của thị trường lao động.
 
Về mục tiêu cụ thể:
 
Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm ít nhất 80% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 40 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó khoảng từ 3 - 5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; phấn đấu giảm tối thiểu 10% số cơ sở GDNN công lập, trong đó số lượng trường trung cấp giảm tối thiểu 15%; có ít nhất 10% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính.
 
Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt trên 4,6 triệu người mỗi năm ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 70 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng từ  5 - 7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; tiếp tục giảm tối thiểu 10% số cơ sở GDNN công lập so với 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính.
 
Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt trên 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. GDNN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
 
Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp:
 
 (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN;
 
(2) Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề trình độ đào tạo;
 
(3) Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN;
 
(4) Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội;
 
(5) Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
 
(6) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; thúc đẩy xã hội hóa GDNN.
Nghị quyết cũng giao Tổng cục GDNN chủ trì xây dựng trình Bộ ban hành kế hoạch triển khai, trong đó xác định những việc cần làm ngay, những việc phải làm theo lộ trình, có phân công cụ thể; phối hợp với các cơ quan chức năng trong Bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện một cách hiệu quả nhất. 

Minh Anh/TC GĐ&TE