Đặc biệt, hoạt động thí điểm mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã được triển khai ở 41 địa bàn cơ sở, bao gồm: 6 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 33 địa bàn thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 11 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực của nhóm các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới. Số lượng thành viên ban chủ nhiệm, các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng tham gia các mô hình thí điểm là 296 người; với 3.687 người bán dâm được tiếp cận, tư vấn thông qua các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ.
Cần Thơ là một trong những địa phương thực hiện mô hình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng rất hiệu quả. Trên địa bàn 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng đã thực hiện “Mô hình hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí”. Theo đó, trên cả 3 địa bàn đã củng cố, nâng cấp mô hình các Câu lạc bộ sẵn có ở địa phương (cấp phường): Câu lạc bộ “Phụ nữ Xa nhà”, Câu lạc bộ “Vì Tương lai phụ nữ”, Câu lạc bộ “Ánh Dương” và các mô hình hỗ trợ giảm tác hại cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Trên cơ sở nhu cầu của chị em bán dâm, đã giới thiệu cho chị em học nghề làm tóc, làm móng; hỗ trợ chị em được tiếp cận vay vốn, dụng cụ học nghề tóc, hỗ trợ về pháp lý; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người bán dâm hoàn lương hoàn cảnh khó khăn có hộ khẩu trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Ảnh minh họa. KT
Nhằm phòng ngừa nhóm phụ nữ có nguy cơ cao như phụ nữ nghèo, thiếu việc làm, trẻ em gái gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn dễ bị kẻ xấu lợi dụng, Sở LĐTBXH phối hợp với Hội LHPN thành phố mở các lớp dạy nghề như: May gia dụng, may công nghiệp, đan giỏ xách... Đặc biệt, mô hình làm may mặc, kết cườm, nấu ăn ở quận Bình Thủy đã giúp cho mỗi thành viên tăng thêm thu nhập từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng, nhiều chị em nhờ đó thoát nghèo, góp phần hạn chế tình trạng bị bọn xấu dụ dỗ, lôi kéo đi làm ăn xa nguy cơ sa vào tệ nạn mại dâm hoặc bị mua bán.
Những người vay vốn làm ăn có hiệu quả được tuyên truyền, quảng bá thông qua các cuộc họp, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ đã làm cho những người yếu thế, người bán dâm tin tưởng vào sự hỗ trợ từ các ban ngành đoàn thể và tự tin vay vốn tạo việc làm thay đổi cuộc sống hòa nhập cộng đồng bền vững.
Ảnh minh họa
Theo đại diện của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Cần Thơ, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực nhất đối với người bán dâm là tạo việc làm từ quỹ tín dụng vi mô. Mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tế của người bán dâm về mong muốn được vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm thay đổi công việc theo hướng tích cực, ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2019-2020 được tổ chức ngày 16/8 tại Lào Cai, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà đánh giá, công tác phòng, chống mại dâm đã có những chuyển biến tích cực trong việc định hướng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, công tác này còn có nhiều khó khăn, bất cập như: Quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm. Bên cạnh đó, một số quy định trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.
Ảnh minh họa
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng chống mại dâm, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình, kết quả công tác phòng, ngừa, hỗ trợ người bán dâm để làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách, chương trình phù hợp. Đánh giá, rút kinh nghiệm việc duy trì và nhân rộng các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền nhằm thống nhất quan điểm, nhận thức, giải pháp về phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công tác viên cộng đồng trong triển khai các mô hình điểm về phòng ngừa, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người bán dâm. Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; đấu tranh các chuyên án về tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến mại dâm trẻ em... Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Chủ động bố trí ngân sách để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phòng, chống mại dâm...
Theo rà soát của các ngành chức năng, hiện cả nước còn khoảng 922 tụ điểm, địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Ước tính của các sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, số người bán dâm hiện có là 11.639 người. Tuy nhiên, số thực tế có thể lớn hơn gấp nhiều lần do đặc điểm xã hội, tính di biến động cao nên rất khó khăn trong việc nắm bắt, thống kê.
Mai Mai/GĐTE