Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tiếp tục triển khai toàn diện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật

(Dân sinh) - Hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Tiếp tục triển khai toàn diện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam chủ trì hội nghị

Ngày 30/12 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Năm 2020 Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam mặc dù rất nhiều khó khăn dịch bệnh Covid thiên tai bão lũ xảy ra nhiều, nhưng nhiều nhiệm vụ đã triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Đặc biệt năm 2020 Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Chương trình tuyên dương những tấm gương sáng vì cộng đồng cho 400 người, phối hợp với Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt đã tuyên dương, tặng quà và sổ tiết kiệm cho 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trên toàn quốc, phối hợp với Quỹ an sinh xã hội và Hội người khuyết tật TP. Hà Nội tổ chức diễn đàn việc làm và khởi nghiệp cho NKT rất thành công

Tiếp tục triển khai toàn diện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội phát biểu tại hội nghị

Ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.696 tỷ đồng, thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội, và 374 tỷ đồng. Đến nay cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe được chú trọng, Bộ Y tế đã tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả Bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Năm 2020 đã cấp thẻ BHYT cho 186.816 người.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, thúc đẩy thành lập và hoạt động hiệu quả trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục tại các địa phương. Tổ chức tập huấn cho 600 cán bộ quản lý và 1.700 giáo viên các cấp về quản lí, và kĩ năng giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật…

Công tác giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm được chú trọng, tập trung hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổng kết Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020", trong đó người khuyết tật là đối tượng ưu tiên. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các Bộ, ngành, địa phương, trong năm 2020 có khoảng 3.000 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề.

Nhìn chung, trong năm 2020, các hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Các lĩnh vực giao thông, công tác tiếp cận công trình công cộng, tiếp cận công nghệ, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch, trợ giúp pháp lý, trợ giúp phụ nữ khuyết tật, phát triển mạng lưới của tổ chức người khuyết tật, hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng.

Hoạt động của Ủy ban ngày càng thu hút sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của các bộ, ngành, tổ chức và các đối tác phát triển; quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao có nhiều chuyển biến tích cực. Các rào cản xã hội, giao thông, đi lại, thông tin... từng bước được tháo gỡ, tạo thuận lợi để NKT có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, nhằm đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật, thời gian tới cần tiếp tục Tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đền NKTđể kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT;

Tiếp tục triển khai toàn diện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật - Ảnh 3.

Hội nghị tổng kết năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021

Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); chú trọng tham vấn ý kiến NKT và các tổ chức của NKT để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước quốc tế về quyền của NKT, chính sách, pháp luật về NKT bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với những đối tượng khác nhau.

Tổ chức đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Luật người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật người khuyết tật. Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng....

 Tổ chức các giải thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ người khuyết tật toàn quốc. Tham gia các giải thể thao quốc tế dành cho người khuyết tật. kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại một số Bộ, ngành và địa phương; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng của NKT.

Tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác về NKT với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới; tăng cường các hoạt động điều phối, chia sẻ thông tin với các đối tác phát triển trong lĩnh vực khuyết tật.