Chị Khánh có hai con học một trường tiểu học ở Hà Nội. Từ ngày 1/4, khi áp dụng cách ly xã hội, trường của con bắt đầu dạy online bài học mới qua ứng dụng Zoom, với ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Vốn không muốn con xem máy tính, nhất là cháu bé bị loạn thị, mắt yếu, chị Khánh đành chấp nhận.
Thời gian con học 60 phút vào buổi tối, nhưng thường kéo dài tới 90 phút. Bé trai lớp 2 đeo tai nghe, ngồi trước màn hình máy tính, thi thoảng lại dụi mắt. Lớp học đông, các bạn nói nhiều, cô giáo mất thời gian chấn chỉnh. Bé vài lần giơ tay mà không được phát biểu nên cứ muốn thoát khỏi lớp.
Những lúc như thế, chị Khánh ngồi bên cạnh động viên con học tiếp. "Nhưng thực lòng tôi muốn chấm dứt bài giảng sau 40 phút, đúng bằng thời gian Zoom cho phép học miễn phí. Với các cháu tiểu học, ngồi học online lâu rất hại cho mắt và cũng không hiệu quả", bà mẹ nói.
Là giáo viên lớp 5 một trường liên cấp Tiểu học, THCS tại Hà Nam, cô Trần Thanh Mai, 49 tuổi, cho rằng một tiết học online chỉ nên kéo dài 45-60 phút, học sinh lớp nhỏ có thể ngắn hơn. Đây là thời gian thực học, không bao gồm lúc vào ứng dụng và đợi đủ học sinh.
Lý giải việc kéo dài tiết học dù không mong muốn, cô Mai nói học sinh còn nhỏ, không thạo sử dụng ứng dụng hoặc vào lớp muộn khiến lớp học hôm nào cũng trễ 15 phút. Trong lúc học, nhiều em bấm nhầm thoát ra khỏi lớp, phải truy cập lại khiến mất thêm thời gian. Có em mạng ở nhà yếu nên thao tác chậm hơn các bạn.
Việc triển khai bài tập trên phần mềm học trực tuyến cũng mất thời gian không kém. Có lần cô Mai cho học trò làm bài tập đọc thầm, phần văn bản và câu hỏi lại nằm ở hai trang khác nhau trong khi màn hình chỉ hiển thị được một trong hai trang. Cô giáo phải liên tục lật đi lật lại để học sinh theo dõi.
"Nếu học trên lớp, bài tập này chỉ mất 10 phút thì tôi mất gấp đôi thời gian để hướng dẫn các em học online", cô giáo nói. Chưa kể học online, nhiều em tỏ ra mệt mỏi nên cô phải cho nghỉ giữa giờ 5-10 phút. Học lại sau khi giải lao, nhiều em hào hứng hơn, tiếp thu tốt hơn, có hôm các em còn xin học thêm.
Giáo viên Địa lý trường THPT Nguyễn Du trong buổi ghi hình bài giảng hồi tháng 3. Ảnh: Thanh Phú.
Ở TP HCM, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Văn trường THCS Nguyễn Du (quận 1) dạy trực tuyến bằng cách livestream trên Facebook. Học trò tương tác với thầy bằng cách bình luận dưới bài giảng, bài tập được làm trực tiếp qua ứng dụng Google form.
Thầy Bảo phân tích, khác với học trên lớp, học sinh ngồi ở nhà học trực tuyến bị phân tán bởi nhiều thứ xung quanh như các trò chơi giải trí, chương trình truyền hình, có em vừa học vừa ôm thú cưng. Do đó, tiết học online cần gọn ghẽ, nên kéo dài bằng một tiết bình thường trên lớp là 45 phút. Vượt quá thời gian này, học trò cũng không tập trung hoặc hứng thú.
Muốn hiệu quả, học sinh phải chuẩn bị bài và học liệu. Trước mỗi tiết học, thầy Bảo đều gửi sẵn bài tập, bài đọc yêu cầu trò xem trước. Thời gian học sẽ dành để làm bài, trao đổi và giải đáp thắc mắc, tránh những khoảng thời gian "chết".
Một yếu tố khác khiến buổi học trực tuyến không nên dài hơn, theo thầy Bảo, là tâm thế của giáo viên. "Nếu buổi học trên lớp, thầy cô được nhìn trực tiếp học trò, tìm được nguồn cảm hứng mới mẻ ở mỗi tiết dạy thì tiết học online rất hạn chế sự giao tiếp này. Thay vì kéo dài, giáo viên cần chỉn chu cho bài giảng, tạo sự hứng thú và truyền đạt nhiều kiến thức nhất đến học sinh", thầy Bảo giải thích.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM) làm bài tập do cô giáo giao. Ảnh: Thảo Nguyên.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tấn Thuận, giáo viên Toán trường THCS-THPT Diên Hồng (quận 10, TP HCM) cho rằng với các môn học thiên về lý thuyết, chỉ nên kéo dài 45 phút. Riêng Toán, có thể bố trí thêm thời gian giải bài tập sau mỗi bài học nên buổi học có thể 90 phút, có giải lao giữa giờ.
Thầy Thuận phân tích, sự tập trung của học sinh cho một tiết học online phụ thuộc vào cách chuẩn bị, bố trí của giáo viên. Khi dạy Toán trên Zoom, giáo viên phải chuẩn bị file trình chiếu kỹ lưỡng vì giải toán phải hiện thị các công thức, cách giải, học sinh mới tiếp thu. Trong lúc giảng bài, giáo viên cũng cần tương tác, cho các em phát biểu nhiều để không gây nhàm chán, giữ chân học sinh.
"Học trực tuyến đòi hỏi sự tự giác và nỗ lực lớn từ học sinh vì nếu các em chỉ muốn học đối phó thì giáo viên khó kiểm soát. Khi cả thầy và trò cùng hợp tác thì đôi khi thời gian dài hay ngắn không còn quan trọng", thầy Thuận nói.
Khoảng 40 phút với một tiết học trực tuyến cũng là đúc kết của TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Ngọc, việc lạm dụng công nghệ quá thời lượng này sẽ khiến học sinh chán nản và khó tiếp thu.
Hơn nữa, hiện các em phải học nhiều môn, thầy cô nào cũng dạy cố thì khoảng thời gian bị trễ sẽ rất nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần học sinh, giáo viên dạy sau bị thiếu giờ. Việc giới hạn thời gian giảng cũng giúp thầy cô chuẩn bị bài vở, giáo án một cách chu đáo và cẩn thận hơn, tránh dông dài.
"Tôi nghĩ bài giảng trực tuyến mà dài hơn 40 phút một tiết thì không nên học, mất thời gian mà chất lượng đem lại không cao", thầy Ngọc nói.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.
Từ giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét. Hiện các trường học đã triển khai dạy trực tuyến bài mới, chứ không còn ôn tập như trong tháng 2 và 3.
theo Mạnh Tùng - Thanh Hằng (vnexpress.net)