Cháo lòng – Đặc sản của người Việt được ví là món cực khoái khẩu mỗi khi đông về
Mỗi khi tiết trời trở lạnh, chúng ta lại có xu hướng tìm đến những món ăn khoái khẩu có sự nóng ấm để sưởi ấm cơ thể. Trong đó, cháo chính là một món ăn không thể bỏ qua. Và cháo lòng chính là món ăn được người ta nhắc đến nhiều hơn cả.
Cháo lòng là món cháo được nấu theo phương thức nấu cháo thông thường, trong sự kết hợp với nước dùng ngọt làm từ xương lợn hay nước luộc lòng lợn, và nguyên liệu chính cho bát cháo không thể thiếu các món phủ tạng lợn luộc, dồi.
Đưa vào miệng từng thìa cháo nóng hổi đậm đà, thêm chút cay cay của tiêu của ớt, thơm thơm của rau gia vị… bao nhiêu cái lạnh xung quanh dường như tan biến. Điều đáng nói là nội tạng lợn như lòng lợn, dạ dày, gan… ăn kèm càng khiến bát cháo thêm ngon lành và sinh động. Nhiều quý ông còn nhắm thêm cút rượu nữa thì đúng là cảm giác "phê" lên tận nóc nhà.
Tuy nhiên, món cháo lòng thơm ngon đến mấy cũng cần phải xét đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là khi bạn coi đó là món ăn khoái khẩu, là món ăn sáng không thể thiếu khi tiết trời chuyển se lạnh… Và xét ở khía cạnh an toàn thực phẩm, cháo lòng đường phố được gán mác không thể tồi tệ hơn khi bẩn quá bẩn!
Cháo lòng – Món ăn khoái khẩu tạo điều kiện cho sán làm tổ trong cơ thể và hàng loạt căn bệnh khác
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), bản thân món cháo lòng làm từ nước hầm xương hay nước luộc lòng được làm sạch và đun nấu kỹ thì không có vấn đề gì xảy ra cho sức khỏe. Vấn đề nằm ở chỗ, khi ăn cháo lòng không thể thiếu những món nội tạng lợn đi kèm. Có như vậy, người ăn mới thấm đẫm sự ngon của từng miếng cháo. Và có như vậy, người ăn mới có nguy cơ nhiễm bệnh vô cùng đáng sợ.
Trước hết, xét ở khía cạnh dinh dưỡng. Ăn cháo lòng có gì bổ béo cho cơ thể? Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nội tạng động vật như lòng lợn ăn kèm trong bát cháo hay gọi thêm bên ngoài chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Lượng chất này cao gấp nhiều lần so với thịt. Nếu thường xuyên ăn lòng lợn sẽ làm tăng mỡ máu, gây hại cho tim mạch.
Chưa kể, lòng lợn là nơi khu trú của rất nhiều ký sinh trùng, trong đó không thể không kể đến giun sán. Trong khi đó, chúng ta không thể chắc chắn người bán hàng có vệ sinh sạch sẽ từng bộ lòng hay không. Chưa kể, việc nhúng lòng chỉ ở dạng trần sơ qua để đảm bảo độ ngon. Điều này, vô hình chung khiến bạn có nguy cơ nạp cả búi sán vào cơ thể.
"Đối với những loại lòng lợn, nội tạng đi kèm trong bát cháo lòng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng còn khiến cơ thể nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.Coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu… cực nguy hiểm, có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Chưa kể, khi làm lòng lợn, nhiều người bán hàng vô lương tâm có thể cho thêm chất tẩy trắng để món lòng trông sạch, trắng và không còn mùi hôi của lòng. Chỉ nghĩ thôi đã thấy rùng mình. Lòng lợn thối sau khi được tháo dỡ sẽ được tẩy rửa hóa chất, được phù phép lại tươi roi rói, thơm ngon đúng điệu. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, hiện nay tình trạng sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa giúp lòng lợn trắng sáng, không còn mùi hôi thối làm tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn là chuyện rất phổ biến và vô cùng nhức nhối.
Vì vậy, khi đi ăn cháo lòng, dù là có ngon đến mức nào, chuyên gia khuyên:
- Chỉ ăn ở những cửa hàng có uy tín, nắm rõ được nguồn gốc của lòng lợn hàng ngày.
- Nhìn bằng mắt: Lòng lợn ngon có ống ruột căng phẳng phiu và tròn, ruột non có màu trắng hồng, nhẵn nhụi, không có mùi lạ.
- Khi sờ: Lòng có sự đàn hồi, độ dẻo dính. Nếu không có hoặc xuất hiện những nốt u cục như hạt gạo thì không được mua vì dễ là lợn bệnh.
Đặc biệt, ông Thịnh nhấn mạnh, cháo lòng dù ngon đến mấy nhưng cũng chỉ ăn mỗi tuần 2 lần là cùng, không nên ăn nhiều vì lượng calo, cholesterol quá cao. Khi ăn cháo lòng có thể giảm bớt việc ăn lòng lợn, nội tạng lợn để giảm nguy cơ mắc bệnh. Tốt nhất nên tự nấu cháo, làm lòng lợn tại nhà ăn sẽ đảm bảo sức khỏe hơn.