Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tìm bến mục mơ

 
 
“Tìm bến mục mơ” là đầu sách thứ 10 của tôi, tập hợp truyện ngắn tôi viết hơn 10 năm, có truyện viết từ khoảng những năm 06, 07 và được chỉnh sửa lại. Đây là những truyện ngắn viết trong giai đoạn mới, khi tôi đi sâu vào tìm hiểu thế giới tinh thần và tâm linh, với nhịp điệu và kỹ thuật mới. Truyện ngắn với tôi trong tập này, cũng dịu dàng như một bài thơ đẹp, dù có đôi khi nói lên những bế tắc đời người.
 
“Tìm bến mục mơ” xuất phát từ những đối thoại của tôi với người bạn thân, họa sĩ Tiến Trọng Nghĩa. Chúng tôi thường nói, kể chuyện cho nhau qua điện thoại. “Tìm bến mục mơ” là một câu mà tôi nói với Nghĩa: “Tớ là con tàu đắm mà vẫn cố đi tìm một bến mục mơ”. 
Nhà phê bình văn hóa/nghệ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét chung về cuốn sách có 22 truyện ngắn này, “là những truyện ngắn, mà đọc liền mạch như một câu chuyện chung dài”. 
 
Các nhân vật trong “Tìm bến mục mơ” là những con người đã chạm ngưỡng 30, sống ở thành phố lớn và có nghề nghiệp ổn định, nhưng tinh thần lại vô cùng bất ổn. Họ hoặc chán ghét hiện tại, thích hoài niệm, hoặc đánh mất thăng bằng hoặc nội tâm đầy mâu thuẫn. Có người muốn yêu nhưng lại sợ yêu, muốn tin nhưng lại không thể tin bất cứ ai hay điều gì, muốn nồng nhiệt như thuở hai mươi nhưng lại không đủ sinh khí (Bí mật này không cần nói ra). Có người đắm chìm trong những nỗi hoang mang và hoài nghi về tình yêu thực sự, về ý nghĩa của cuộc đời, về những điều tưởng như quan trọng mà hóa ra lại vô nghĩa (Tìm bến mục mơ). Có người sợ hãi thành phố ồn ã, vô cảm, thiếu dưỡng khí của hiện tại nhưng lại không thể rời bỏ nơi đang biến mình thành “xác sống”, bởi làm thế cũng là “tự giết mình” (Người mơ). 
 
Không cam chịu nhưng cũng không đủ sức thoát ra, sự chán chường mọi thứ, bao gồm chính mình, khiến họ “chạm đáy trống rỗng”. Họ tách khỏi hiện thực bằng cách sống trong những giấc mơi “dài nối dài” (Người mơ); bằng việc tạo ra một thế giới riêng tư tuyệt đối để náu mình, và bằng cách dẫu có đi bên ai đó nhưng chẳng hề “chạm” vào nhau. Ở họ luôn toát lên sự uể oải và mong manh như một ảo ảnh, như thể họ đến từ cõi hư vô. Họ có thể đột ngột tan biến như chưa từng xuất hiện, và khiến ta quen với điều bất bình thường ấy như một điều bình thường (Một bình thường, Chưa chạm vào trong nhau). 
 
Những con người đánh mất cảm giác sống trong Tìm bến mục mơ đều bị ám ảnh bởi những chuyến đi, và phải đi như một giải pháp cuối cùng. Có người dứt khoát thoát ly thành phố cũ, ra đi để “hồi sinh” và sống khác. Nhưng cũng có người luôn mua vé khứ hồi. Không thể dứt bỏ, cũng không thể chấp nhận thực tại, họ cứ thế đi - về như một người mơ trong “sự trống rỗng tuôn chảy”, trong nỗi bế tắc vì không còn biết làm gì với cuộc đời của mình nữa. 
 
Nguyễn Quỳnh Trang cho rằng, “Tìm bến mục mơ” lần này, “rất có thể, khép lại tiến trình tròn 15 năm sáng tác truyện ngắn của tôi. Thể nghiệm như thế với tôi cũng đủ. Tôi mong muốn thời gian tới sẽ tập trung hoàn toàn cho tiểu thuyết. Vì tôi đã có những mục tiêu rõ ràng về văn chương”.
 
 

 

PV/GĐTE