Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tìm cách cho con chơi trong mùa dịch Covid-19

Trong mùa dịch Covid-19, các bậc phụ huynh tạm quen và yên tâm với việc học online của con, nhưng lại bứt rứt về chuyện chơi. Rõ ràng, chuyện chơi của con trẻ rắc rối hơn chuyện học vì không thể “chơi online” được, trừ chơi games.

Mô hình sân chơi lưu động di chuyển đến khu phố phục vụ trẻ em vui chơi, trải nghiệm.Ảnh: ST

Mô hình sân chơi lưu động di chuyển đến khu phố phục vụ trẻ em vui chơi, trải nghiệm.Ảnh: ST

Trẻ em đang “đói” chơi

Các nhà tâm lý học trong lĩnh vực trẻ em khẳng định: Chơi với trẻ em là công việc nghiêm túc. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trẻ em cũng phải được chơi. Chơi đối với trẻ, nếu không quan trọng bằng học thì cũng chỉ quan trọng kém học một chút thôi, nghĩa là không thể để trẻ không được chơi. Ðiều này các bậc phụ huynh và thầy cô giáo điều biết, đều hiểu.

“Nguyên lý” là như vậy, nhưng trên thực tế, khi chúng ta tiến hành chống dịch Covid-19, trẻ em hầu như bị hạn chế chơi rất nhiều. Nhiều trẻ tỏ ra bị “đói” chơi trầm trọng. Sau một kỳ nghỉ hè hầu như không được vui chơi ngoài trời, đại bộ phận trẻ em lại không được đến trường, mà phải ở nhà học online. Thậm chí, ở nhiều gia đình, người lớn cấm tiệt việc trẻ con ra đường, ra phố. Mục đích của họ là giữ cho trẻ được an toàn trước đại dịch.

Học online dẫu có những bất tiện riêng và có thể không chất lượng bằng học trực tiếp trên lớp, nhưng dẫu sao vẫn còn được học. Còn chưa ai nghĩ ra cách để “chơi online” trừ việc chơi games (điều mà cha mẹ, thầy cô giáo kêu gọi hạn chế). Trên thực tế, nhiều trẻ đã có biểu hiện mệt mỏi (cả về thể chất lẫn tinh thần) vì “đói” chơi.

Hiện nay vì phòng dịch nên trẻ em không chỉ “đói” chơi, mà còn thiếu bạn bè, thiếu những đứa trẻ cùng lứa để chơi. Nhân một buổi sinh nhật, sau khi đã test Covid-19 cẩn thận, tất cả đều âm tính,  các bậc cha mẹ cho con đến bữa tiệc. Khách mời là con của những người quen biết, thân thiết. Hầu như chẳng cháu nào quan tâm đến chuyện ăn uống, mà chỉ mải chơi với nhau. Chúng thực sự rất cần bạn chơi. Vì vậy, tiệc sinh nhật xong rồi nhưng chúng vẫn quyến luyến, không muốn xa nhau, thế là có gia đình phải linh động, để con ở lại gia đình bạn. Có thể điều này  làm nảy sinh phiền toái nhưng nếu thực sự yêu thương các con, các bậc cha mẹ phải phải chấp nhận “hi sinh”.

Tuy nhiên, cách làm như trên chưa phổ biến (và cũng khó phổ biến),  nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa tìm ra cách để con có điều kiện vui chơi theo cách thông thường. Làm thế nào để trẻ vẫn được vui chơi ngoài trời khi không được đến trường, không được đến những điểm vui chơi, giải trí vẫn là điều các bậc cha mẹ lúng túng.

Đành sử dụng thiết bị của người lớn vậy. Ảnh HBK

Đành sử dụng thiết bị của người lớn vậy. Ảnh HBK

Cha mẹ phải nỗ lực

Ðể trẻ em được vui chơi nhưng vẫn đảm bảo an toàn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt là Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đang đến gần.

Việc tìm sân chơi, chỗ chơi cho trẻ em làm các bậc phụ huynh đau đầu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tổ chức cho trẻ vui chơi ngày càng trở nên khó khăn hơn nhưng cũng bức thiết hơn. Yêu cầu đặt ra là trẻ em phải được vui chơi ngoài trời nhưng phải bảo đảm an toàn phòng dịch. Người ta cho rằng, đưa ra yêu cầu này gần như là đánh đố các bậc cha mẹ.

Tôi không nghĩ thế. Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực sự vì trẻ em thì “trong cái khó sẽ ló cái khôn”. Ðể giúp các con có điều kiện vui chơi trong mùa dịch Covid-19, trước hết chúng ta mua một số dụng cụ cần thiết để các con vừa học, vừa chơi. Ðó là mua sách hợp với lứa tuổi, mua dụng cụ vẽ, ghép hình. Ngoài ra, cha mẹ cần dành thời gian để dạy các con làm quen với việc nhà như nấu ăn, quét dọn nhà cửa, rửa bát, phơi quần áo, kê lại phòng ngủ, góc học tập… Trong điều kiện bình thường, những công việc này được xem là vặt vãnh và nhàm chán, nhưng cha mẹ cần biến chúng thành những công việc thực hành bổ ích và vui vẻ.  Vấn đề nằm ở cách thức tiến hành: Cha mẹ chỉ hướng dẫn, cổ vũ và quan sát. Sau khi các con làm tốt thì có cách khen thưởng nhẹ nhàng. Mục đích cơ bản là tạo cho các con cách thức hoạt động và tìm thấy niềm vui trong các hoạt động đó. Ngoài ra, cha mẹ cũng cố gắng tạo ra những không gian đủ cho trẻ có thể tập luyện những loại hình vận động thể chất đơn giản như nhảy dây, tập với tạ nhỏ, tập xà đơn, yoga, chống đẩy…

Tuy nhiên, tổ chức cho các con vui chơi ngoài trời trong mùa Covid-19 mới là thử thách lớn. Chúng ta vẫn có thể làm được điều này nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ và sẵn sàng chấp nhận bận rộn hơn (ở mức độ nào đó, chi nhiều tiền hơn).

Tôi có cô con gái 8 tuổi, học lớp 2. Cháu rất hiếu động, việc học online lúc đầu cũng khiến cháu cảm thấy thú vị chút ít. Song, mãi không được ra khỏi nhà, cháu bắt đầu chểnh mảng chuyện học hành. Cô giáo bảo: “Con nhà anh học online mà như đi làm khách ấy, thái độ rất phất phơ”. Tôi hiểu là vì lâu ngày con không được ra ngoài trời chạy nhảy nên sức ỳ đã bắt đầu hình thành. Phải tìm cách cho con ra ngoài trời để “thanh toán” sức ỳ. Quan sát thấy ở bên cạnh chung cư có vườn hoa kiêm sân chơi của người lớn. Trong thời gian giãn cách, sân này bị cấm sử dụng. Sau ngày 21/9 đến nay, mọi người được vào đây với số lượng hạn chế. Vào giờ làm việc, ở đây vắng tanh. Thế là tôi tranh thủ đưa con vào đây chạy nhảy và sử dụng những thiết bị tập thể dục của người lớn. Tuy không phù hợp lắm nhưng cháu lại cảm thấy rất thích thú.

Khi tìm được ra những khoảng không trống trải trong và xung quanh chung cư, lại tìm ra khung giờ vắng vẻ, tôi cho cháu đi xe đạp để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa hít thở không khí ngoài trời. Hình như thấy con thích chạy nhảy ngoài trời nên mẹ cháu mua cho cháu đôi giày trượt patin. Chỉ sau 3 tuần luyện tập, bây giờ cháu có thể “lướt” trên đôi giày đó ở vườn hoa, vỉa hè.

Ðể thay đổi không khí, cuối tuần cha mẹ có thể tổ chức đi dã ngoại với quy mô một hoặc vài gia đình. Nếu không có điều kiện đi xa, chỉ cần đến các công viên, ra ngoại thành, hoặc đến một cánh rừng gần nơi ở. Trẻ con cũng thích “làm bạn” với thiên nhiên, đặc biệt là ở nơi vắng vẻ, có nhiều cây xanh.