Bên cạnh đầu tư phương tiện, nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, việc ưu tiên đầu tư hạ tầng và tổ chức giao thông là giải pháp quan trọng nhằm thu hút khách, mở rộng thêm "lối đi" cho xe buýt.
Đầu tư nhiều, vẫn... ít khách
Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư phát triển, hợp lý hóa mạng lưới tuyến, đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành, hình ảnh xe buýt Thủ đô đã có những đổi thay tích cực cả về chất và lượng. Với 126 tuyến, mạng lưới xe buýt đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã; 453/579 xã, phường, thị trấn (đạt 78,2%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 31/37 khu đô thị (đạt 83,8%); 27/27 khu, cụm công nghiệp lớn.
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), năm 2019, sản lượng vận chuyển bằng xe buýt đạt 482,6 triệu lượt hành khách, mới đáp ứng 8,7% nhu cầu đi lại của người dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng vận chuyển sụt giảm, đạt khoảng 300 triệu lượt hành khách, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 25,7%.
Như vậy, để đạt tỷ lệ đáp ứng 16%-18% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2025 và 25% vào năm 2030 thực sự là một thách thức rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh phương tiện giao thông cá nhân vẫn đang tăng nhanh và ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. Cũng do ùn tắc giao thông, trung bình mỗi tháng có khoảng 4.000 lượt xe buýt phải điều chỉnh thời gian và lộ trình hoạt động.
Là hành khách thường xuyên đi làm bằng xe buýt, chị Nguyễn Ngọc Vân (số 100, ngõ Hòa Bình 7, quận Hai Bà Trưng) đánh giá, luồng tuyến thuận tiện, phương tiện sạch sẽ, tuy nhiên, xe buýt phải di chuyển trong luồng giao thông hỗn hợp nên ảnh hưởng đến thời gian chạy. Nếu điều này được cải thiện, xe buýt sẽ hấp dẫn hành khách hơn.
Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long Hà Nội (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) Lê Đức Hùng cũng cho biết, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông, đặc biệt là tình trạng ùn tắc, khiến xe buýt khó có thể vận hành nhanh và đúng giờ, làm giảm lượng hành khách sử dụng dịch vụ.
Ưu tiên về hạ tầng
Đề cập đến giải pháp khắc phục, theo ông Lê Đức Hùng, Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long Hà Nội cũng như các đơn vị trong toàn Tổng công ty Vận tải Hà Nội luôn xác định tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, bảo dưỡng, vệ sinh phương tiện, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, nhằm bảo đảm xe tốt, vận hành an toàn… Song, mong muốn lớn nhất là được đầu tư hạ tầng để xe buýt có thể vận hành nhanh hơn, đúng giờ hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội (HAPTA) Nguyễn Trọng Thông cho rằng: “Xe buýt còn chậm, không đúng giờ thì khó có thể thuyết phục người dân bỏ phương tiện cá nhân. Nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp căn cơ theo hướng ưu tiên cho vận tải công cộng thì tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hành khách của xe buýt từ 16% đến 25% như kế hoạch rất khó thực hiện”.
Ghi nhận đề xuất mới đây của HAPTA về bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, việc nghiên cứu làn ưu tiên cho xe buýt là khả thi. Sở đang chọn thời điểm, cách thức triển khai phù hợp với điều kiện hạ tầng, nhằm thu hút người dân đi xe buýt.
Cũng theo ông Vũ Văn Viện, để cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hợp lý hóa luồng tuyến và mở mới các tuyến buýt; phát triển thêm các tuyến buýt kế cận để giảm phương tiện cá nhân từ các tỉnh lân cận vào thành phố. Đồng thời, phương tiện sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng ưu tiên xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường (dự kiến đầu tư mới 400 xe, trong đó có khoảng 150 xe buýt điện).
Về hạ tầng sẽ đầu tư theo quy hoạch các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, các hành lang ưu tiên để định hình kết cấu mạng lưới ổn định, kết nối hiệu quả với các loại hình vận tải công cộng khác nhằm thu hút khách, mở rộng "lối đi" cho xe buýt. Đặc biệt, để hành khách dễ tiếp cận hơn, thành phố sẽ thực hiện mã hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt; đổi mới, đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tuyến, qua điện thoại…); triển khai hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng; hoàn thiện phần mềm timbus.vn, cung cấp dữ liệu thời gian thực về xe buýt cho hành khách. Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các điểm trung chuyển kết nối mạng lưới tuyến và triển khai các loại hình giao thông tiếp cận (xe đạp công cộng), các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho hành khách đi xe buýt…