Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tìm mô hình giảm nghèo hay

Ngày 24-25/8, tại Hà Nội, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Dự án giảm nghèo – PRPP và Chương trình hỗ trợ phát triển Ailen tài trợ tổ chức lễ sơ tuyển “Hội thi Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”. Từ 60 hồ sơ đăng ký tham gia hội thi, Ban tổ chức chọn 25 đội thi vào vòng sơ tuyển để chọn 10 đội vào vòng chung kết trao giải.

 

Trong 20 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Đời sống của người dân, đặc biệt của người nghèo, từng bước được nâng lên; hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay. Nhưng do được quan tâm và có sự hỗ trợ từ nhiều phía, nên một số người dân có thái độ ỷ lại, không tự vươn lên, thậm chí nhiều địa phương còn không mong muốn thoát nghèo để hưởng những chính sách ưu đãi, việc tham gia hay trao quyền cho cộng đồng còn hạn chế, nên công cuộc giảm nghèo còn có những rào cản. Với chủ đề sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng nên ban tổ chức cuộc thi rất chú trọng đến vai trò của người dân.

Ông Ngô Trường Thi trao chứng nhận tham dự Hội thi cho đội trồng gừng và gức đến từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

 

Theo ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng giảm nghèo Quốc gia, thì từ khi thực hiện các mục tiêu, các chính sách giảm nghèo, chúng ta chưa đánh giá được vai trò của cộng đồng, của người dân, chưa dám đặt họ vào những hoàn cảnh cụ thể, những chính sách cụ thể để họ chủ động với chính những công việc đó. Trước đến nay vẫn còn những hạn chế đó là chưa khuyến khích và phát huy được vai trò của cộng đồng, của chính người nghèo. Với cách làm từ trên xuống hay cách làm áp đặt thì hiệu quả không bền vững. Vì vậy, trong chương trình giảm nghèo giai đoạn tới sẽ trình với Chính phủ có một sự chuyển hướng. Vẫn là công việc như vậy, nhưng thay vì trên làm, sẽ chuyển sang phân cấp, trao quyền và giao cho cộng đồng để cộng đồng tự làm, theo nhu cầu của mình mà thực hiện.

Trưởng ban giám khảo Ngô Trường Thi cho biết: "Những mô hình tham dự Hội thi là những câu chuyện sinh động nhất, thực tế nhất. Một điểm mà tôi đánh giá rất cao đó là tư tưởng và tinh thần của “sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” đã được thể hiện tất cả trong bài trình bày của các nhóm. Mỗi nhóm có một vẻ; có nhóm có thể trình bày lưu loát, mạch lạc; có nhóm rất giản dị; còn có nhóm nói thẳng là “thôi các anh BGK nghĩ thế nào thì nghĩ, em cứ lên em nói theo kiểu của em”. Tất cả những việc đó đều toát lên một điều, đó là tất cả chúng ta đều có một cái khát vọng vươn lên, không phải chỉ bản thân mình mà là cả cộng đồng cùng vươn lên. Tất cả các trưởng nhóm đều thể hiện một tinh thần “Vì mọi người”, không nề hà, bỏ tiền bạc, thời gian ra để lo công việc cho cả nhóm. Chúng tôi cho rằng, tất cả những sáng kiến, hoạt động của các nhóm đều mang lại lợi ích rất lớn. Không chỉ về vấn đề kinh tế, đó còn là vấn đề xã hội, củng cố sự đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng nơi mình sinh sống, tổ chức các hoạt động đoàn thể, góp phần xây dựng một cuộc sống ở nông thôn tốt đẹp hơn”.

Cũng theo ông Ngô Trường Thi, cuộc thi lần này không coi trọng giải thưởng. Đã gọi là sáng kiến thì đó phải là mô hình hay, phải có sức lan tỏa, từ đó Ban tổ chức sẽ có những tư vấn, những hỗ trợ cần thiết cho mô hình được nhân rộng.