Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tình anh em

Ảnh minh họa


.
Không hiểu mạng Internet mạnh đến cỡ nào mà vụ án rùng rợn trên đến con bé lớp 4 nhà tôi cũng biết. Từ trước đến nay, những chuyện đau lòng, không tình người như thế này, tôi luôn tránh đề cập trong gia đình vì sợ trẻ con nghe thấy khiến chúng lo sợ, mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng cha mẹ có thể ngăn con đọc tin tức ở nhà, không thể ngăn nổi sự tò mò của lũ trẻ mới lớn, chỉ cần một đứa trẻ biết thì cả lớp rồi sẽ biết.


Con gái tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, đất giáp ranh là gì? 0,5m đất trị giá bao nhiêu tiền mà vì nó người anh chém chết cả gia đình người em hả mẹ?”. Tôi thực không biết trả lời con sao cho thỏa đáng. 0,5m đất giáp ranh ở một vùng quê trị giá có đến tiền tỷ không? Tính mạng của 4 con người chỉ bằng 0,5m đất giáp ranh ư?!


Ngày ngày, những người làm cha mẹ như tôi ra rả dạy con “anh em như thể chân tay - rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”, chị phải nhường em - em phải vâng lời chị, anh chị em phải yêu thương, giúp đỡ nhau vì chúng ta là một gia đình. Những khi cô chị tranh đồ chơi của cô em, cô em cậy bé được mọi người chiều giở thói đành hanh bắt nạt chị, tôi lại phải đứng ra làm quan tòa phân xử. Phải phân xử sao cho công bằng, hợp tình, hợp lý để chị em chúng không đứa nào giận hơn, ấm ức, quả thực rất là khó. Tôi hay nói với các con rằng, ở đời này không có Đúng – Sai tuyệt đối, nên đừng cố đòi phần thắng tuyệt đối về phía mình. Đã là anh chị em ruột phải yêu thương nhau, chín bỏ làm mười thì gia đình mới hòa thuận, yên ấm được.


Nhưng những điều tôi dạy con và những điều con biết, con nhìn thấy đôi khi không giống nhau. Và tôi lại phải nhọc lòng đi tìm những gương tốt, việc tốt, người tốt, những câu chuyện cảm động về tình anh em để kể cho lũ trẻ nghe. Chúng ta không thể vì một vài câu chuyện xấu mà nhìn nhận cuộc sống sai lệch được.


Thật tình cờ, cô em 5 tuổi một hôm về kể cho mẹ nghe truyện “Anh em nhà Thỏ”. Không rõ đây là truyện cổ tích, ngụ ngôn của nước nào, nhưng tôi thấy nó rất cảm động, giản dị và dễ đi vào lòng trẻ.


Truyện kể rằng, trong một ngôi làng nhỏ, trên một ngọn đồi xinh xắn có ba mẹ con nhà Thỏ sống với nhau rất vui vẻ. Hai chú Thỏ con ngày ngày vui vẻ giúp mẹ làm việc nhà và buổi tối họ cùng nhau ăn cà rốt. Nhưng rồi một hôm, Thỏ mẹ bị bệnh rất nặng. Trước lúc ra đi, Thỏ mẹ dặn dò hai con: “Mẹ bị bệnh nặng lắm, chắc là khó qua khỏi. Hai anh em con phải nhớ là luôn yêu thương nhau nhé. Hứa với mẹ đi”.


“Dạ! Chúng con xin hứa sẽ yêu thương nhau”, hai chú Thỏ cùng đồng thanh đáp.


Sau khi mẹ mất, hai anh em Thỏ sống gần nhau và chăm sóc vườn cà rốt của riêng mình. Họ vẫn thường xuyên hỏi thăm nhau. Thấy anh thu hoạch được ít cà rốt, đợi trời tối, Thỏ em lẻn ra ngoài mang cho Thỏ anh một ít cà rốt.


Nhưng đến hôm sau, Thỏ em ngồi đếm lại số cà rốt, chẳng thấy vơi đi gì cả. Thật là ngạc nhiên. Thế là, tối đó, đợi người anh ngủ say rồi, Thỏ lại đem thêm cà rốt sang cho anh.


Sáng hôm sau, Thỏ em ngồi đếm lại số cà rốt. Lạ quá, số cà rốt vẫn chẳng vơi đi là bao. Thỏ em quyết định đến đêm sẽ lại mang thêm cà rốt cho anh trai. Nhưng thật không may, hôm đó, Thỏ em ngủ quên nên đem cà rốt sang cho anh muộn. Trên đường đi, Thỏ bị đụng vào ai đó, té rầm. Người Thỏ em vừa đụng phải chính là Thỏ anh. Thì ra, bấy lâu nay, Thỏ anh vẫn âm thầm đêm đêm mang cà rốt sang cho em giống như Thỏ em vậy, thế nên số cà rốt mãi chẳng vơi đi, thậm chí còn nhiều thêm. Hai anh em Thỏ âm thầm giúp đỡ nhau không mong mỏi được báo đáp. Nếu Thỏ mẹ còn sống, bà chắc hẳn sẽ vô cùng hạnh phúc khi thấy các con mình biết yêu thương và sống hòa thuận với nhau.


Giá như hai anh em trong vụ tranh chấp đất ở Đan Phượng (Hà Nội) cũng được học câu chuyện này từ lúc còn nhỏ như con gái tôi, biết đâu câu chuyện đau lòng kể trên đã không xảy ra?!

Ảnh minh họa


Những điều nên tránh để không sứt mẻ tình cảm anh chị em trong gia đình:


Xúc phạm nhau

Anh chị em có thể tranh luận, thậm chí cãi vã nhau nhưng tuyệt đối không được xúc phạm nhau. Sự xúc phạm gây tổn thương nghiêm trọng đối phương và phá hỏng các mối quan hệ cho dù trước đó có tốt đẹp nhường nào. Sự xúc phạm còn có thể khiến cho người ta trở nên hận thù, dễ dẫn tới các hành vi sai trái.

Hãy cẩn thận với lời nói của bạn, “nếu bạn không thể nói điều gì tốt đẹp thì tốt hơn hết là đừng nói gì cả”.


Thiếu sự gắn kết


Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến cho nhiều gia đình thiếu đi sự gắn kết giữa con cái và cha mẹ, giữa anh chị em trong gia đình. Vì thiếu đi sự gắn kết, nên cũng thiếu đi sự thông cảm, sự yêu thương và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình.


Nói xấu nhau


Nếu anh chị em trong gia đình gặp bất cứ mâu thuẫn nào, hãy ngồi lại với nhau, thẳng thắn trao đổi, góp ý và tìm cách khắc phục. Nói xấu một ai đó có thể làm bạn cảm thấy hả hê, thoải mái trong giây lát, nhưng sự thật, nói xấu một ai đó không làm cho bạn trở nên tốt hơn.


Lừa dối nhau


Không ai muốn bị người khác lừa dối, nhưng khi kẻ lừa dối bạn là một người xa lạ, ta có thể dễ dàng bỏ qua, nhưng nếu kẻ lừa dối bạn là anh chị em trong gia đình, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tức giận và thất vọng. Phát hiện ra bị người bạn đời lừa dối thậm chí còn không đau lòng bằng việc bị chính anh chị em ruột lừa.


Không chấp nhận sự khác biệt


Cùng sống chung một mái nhà, cùng hưởng một nền giáo dục như nhau từ cha mẹ nhưng mỗi đứa trẻ sẽ có một thiên hướng phát triển riêng. Chúng ta sinh ra dù là sinh đôi thì vẫn là hai cá thể riêng biệt, vậy nên hãy tôn trọng sự khác biệt của người khác. Có không ít đứa trẻ trở nên cực đoan khi trưởng thành chỉ vì thời thơ ấu chúng không được mọi người trong gia đình tôn trọng sự khác biệt của mình.


Không xin lỗi và không chịu tha thứ


Đừng tiết kiệm lời xin lỗi, nhất là với anh chị em trong gia đình. Lời xin lỗi kịp thời, đúng lúc có thể hàn gắn một mối quan hệ đang bên bờ vực tan vỡ. Bạn xin lỗi ai đó không chỉ vì bạn biết mình sai mà còn vì bạn trân trọng họ.


Sự tha thứ, khó hơn rất nhiều so với việc nói lời xin lỗi, nhưng tha thứ không chỉ giúp tâm hồn bạn thanh thản mà còn giúp anh chị em của bạn có cơ hội để được sửa sai.

Phương Anh/TC GĐ&TE