Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tình anh em

 
Ảnh minh họa
                                      
Chuẩn bị tâm lý cho con khi có em nhỏ
 
Ngày mai con trai mẹ tròn 10 tuổi, mẹ mừng thầm khi sáng nay em gái con nhắc mẹ, mai là sinh nhật anh trai con đấy! Bố đã hứa sẽ đưa cả nhà mình ra Hồ Tây ăn bánh tôm rồi qua phố Tràng Tiền ăn kem đậu xanh, mà hai con đều thích. 
 
Viết những tâm sự này, mẹ mong được tâm sự cùng con, khi lòng mẹ đang vui. Mẹ nhắc lại những câu chuyện cũ, để nhà mình thêm yêu thương gắn bó với nhau hơn.
 
Khi mẹ mang bầu em gái con tháng thứ 3, bố mẹ bàn nhau gửi con về ông bà ngoại, với mong muốn con sẽ được chăm sóc tốt hơn, bố mong mẹ có thời gian hơn để nghỉ ngơi, ngoài công việc ở cơ quan và ở nhà. Bố mẹ quên mất việc chuẩn bị tâm lý cho con khi có em nhỏ. Đôi lần gặp mẹ, con hỏi, sao con lại phải có em nhỏ? Mẹ nghĩ đơn giản đó là những câu hỏi vu vơ của trẻ con, nên cũng bỏ qua. Bố mẹ đón con về học lớp 1, lúc em gái con đã 6 tháng tuổi. Dành nhiều thời gian cho em bé, mẹ ít được chăm sóc con hơn, bố cũng vậy, công việc ngập đầu… Con như thấy mình bị bố mẹ bỏ rơi, tình yêu bị san nửa. Con ít nói khi gặp mẹ và em. Sau này, mẹ tự trách mình thật vô tình. Sao không tạo cho con được cùng cha mẹ chăm sóc em. Sao không dành thêm thời gian cho con? Ngay từ ngày chuẩn bị cho sự ra đời của em bé, bố mẹ đã quên chuẩn bị tinh thần cho con. Ngày em gái sắp ra đời, con rất cần được ôm vào lòng và thủ thỉ: Cho dù mai sau thế nào, cha mẹ cũng yêu con rất rất nhiều. 
Ngay từ ngày chuẩn bị cho sự ra đời em bé, bố mẹ đã vô tình quên chuẩn bị tinh thần cho con. Ngày em gái sắp ra đời, con rất cần được ôm vào lòng và thủ thỉ: Cho dù mai sau thế nào, cha mẹ cũng yêu con rất rất nhiều. 
 
Em gái lớn lên, 1, 2 rồi 3 tuổi, bắt đầu biết chơi, biết hờn dỗi…, bố mẹ lại đau đầu về chuyện hai con tranh giành, cãi nhau. Cũng vì đôi lúc bố mẹ vì quá bận rộn nên không tìm hiểu nguyên nhân, khi nghe các con tranh giành, cãi vã hoặc đánh nhau thì bắt phạt hay tức giận la mắng, mà con lớn vẫn thường bị phạt nhiều vì không biết nhường nhịn. Mẹ biết con rất ấm ức, nhiều khi tủi thân. Những tưởng là anh em con giận nhau lắm, không biết bao giờ mới làm lành, hòa thuận. 
 
Nhưng bố mẹ rất bất ngờ khi thấy khi anh em con sau một hồi tranh giành, khóc lóc lại thân thiện, ríu rít “anh anh, em em” trông rất tình cảm.
Vô tình bố mẹ đã làm tổn thương con, đứng về một phía mà bênh em bé, bất chấp lý do. Chỉ cần bố mẹ tỏ rõ thái độ phân minh, các con ắt tự hiểu mình nên hay không nên làm gì.
 
Mẹ mang điều ấy nói chuyện với bố con, con trai ơi, cả bố và mẹ đều thấy mình sai. Bố mẹ dành nhiều thời gian cho con hơn, nhiều lần bố đưa con đi chơi, mua tặng con và em những món quà. Con được tạo cơ hội để cùng bố mẹ chăm sóc em, con rất vui. Những lời động viên kịp thời và đúng lúc của bố mẹ khiến con hài lòng: Em được con chơi cùng rất vui! Con chăm em khéo quá!
 
Bố mẹ dành thời gian để thỉnh thoảng, cả nhà mình cùng nhau xem những bộ phim tình cảm gia đình ý nghĩa, các con đã học hỏi và biết nâng niu giá trị gia đình hơn. Bố con vẫn thường nhắc mẹ: Con cái trong gia đình luôn biết giữ hòa khí, yêu thương và nhường nhịn lẫn nhau là điều mà các bậc làm cha mẹ đều mong ước. Tuy nhiên, với những trẻ em trong hầu hết mọi gia đình mà độ tuổi gần nhau thì những mâu thuẫn, tranh giành, cãi cọ nhau là điều không thể tránh khỏi. 
 
Đối xử công bằng với con cái, giúp cho con biết kiềm chế cảm xúc của mình và không để tính đố kỵ làm ảnh hưởng đến quan hệ của những đứa trẻ là bố mẹ đã tạo được tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Cách cư xử của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ giữa các anh chị em ruột trong gia đình. 
 
 
Ảnh minh họa
 
Khơi dậy tình cảm tốt đẹp luôn tiềm ẩn bên trong các con
 
 Mẹ không phải nhắc con nhiều chuyện phải nhường nhịn em nhỏ hơn mình. Thật vui khi càng ngày con càng biết nhường nhịn em và em thì luôn luôn vâng lời anh. Đặc biệt là những lúc ốm đau, anh em con biết càng phải quan tâm và chăm sóc nhau nhiều hơn. Quan tâm đến các con để mẹ nhận ra rằng: Bố mẹ cần khơi dậy tình cảm tốt đẹp luôn tiềm ẩn bên trong các con, bởi trẻ con luôn giàu tình thương, nhạy cảm và rất trong sáng. Vì vậy, với những lời nhẹ nhàng, không cần phải to tiếng, con sẽ cảm nhận được và sẵn sàng làm những điều tốt đẹp cho người khác. 
 
Ngày mai con trai tròn 10 tuổi, bố mẹ rất tự hào vì có các con. Trong niềm vui khi các con lớn lên, mẹ muốn tâm sự rằng: Cha mẹ hãy dạy các con cách chăm sóc, yêu thương lẫn nhau, biết chia sẻ cả về vật chất và tinh thần. Và trên hết, cha mẹ là tấm gương sáng cho con, bồi đắp cho một gia đình hạnh phúc, ấm áp.
                                                                                                              
Con cái trong gia đình luôn biết giữ hòa khí, yêu thương và nhường nhịn lẫn nhau là điều mà các bậc làm cha mẹ đều mong ước. Tuy nhiên, với những trẻ em mà độ tuổi gần nhau thì những mâu thuẫn, tranh giành, cãi cọ nhau là điều không thể tránh khỏi. 

Thành Sơn/TC GĐ&TE