Người nghệ sĩ khi sáng tác các tác phẩm thường phải dựa vào những chất liệu thực của đời sống hàng ngày với dụng ý đả kích, phê phán cái xấu, cái tiêu cực, cái ác. Những tác phẩm báo chí ấy đã phần nào lay động được bạn đọc, được họ hưởng ứng, đồng thuận với cách nhìn riêng của người sáng tác. Khi bạn đọc đồng cảm, chấp nhận tác phẩm của tác giả báo chí cũng có nghĩa là cuộc sống chấp nhận cách tiếp cận của họ. Tính chiến đấu của tranh biếm họa nằm ở chính sự sâu sắc, chua cay trong ngôn ngữ châm biếm, lên án đích đáng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thông tin từ báo chí hàng ngày, hàng giờ cũng là những gợi mở để các họa sĩ hình thành ý tưởng sáng tác. Người xem tranh biếm họa phát hiện tinh tế những hành động, việc làm tiêu cực, sự che đậy tinh vi trong tham nhũng, lãng phí, thói hư, tật xấu của con người dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội. Đây chính là chất “bột” để người họa sĩ “gột” nên tác phẩm biếm họa của mình đạt tới trình độ tiếp cận bằng trực quan sinh động. Vì thế, ngôn ngữ hội họa phải thật giản dị, dễ hiểu, có sức lay động mạnh mẽ đến cảm nhận về tính mô phỏng, khái quát, ngôn ngữ ám chỉ, châm biếm chua cay (khác với các thể loại tranh trừu tượng, tranh phong cảnh hay các thể loại tranh khác…); hạn chế tối đa cách thể hiện rườm rà, khó hiểu, cường điệu, bắt người xem phải suy luận. Đương nhiên, sự phê phán thâm thúy là có chiều sâu văn hóa, ý nhị, sâu sắc; tránh ngôn ngữ thô kệch, dễ dãi, dung tục theo kiểu nói cho bõ tức…
Một trong những tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Cười với Tuổi Trẻ Cười”do Báo Tuổi trẻ cười tổ chức năm 2013
Tính chiến đấu của tranh biếm họa, ngoài việc tham góp vào công khai, minh bạch những biểu hiện cụ thể của tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đời sống xã hội mà còn chứa đựng thông tin cảnh báo, nhắc nhở về căn bệnh mang tính toàn cầu trên; vạch trần thủ đoạn tham nhũng, lãng phí tinh vi được che đậy bởi những hành vi “mưu ma chước quỷ”. Trước đây, nhiều tờ báo luôn coi tranh biếm họa là vũ khí sắc bén trong đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chống thói hư, tật xấu, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và dường như đang là một trong những chủ đề được bạn đọc rất quan tâm, khích lệ. Sự thành công của mảng đề tài này đã từng khiến một số tờ báo có thương hiệu. Đi liền với những tờ báo đó là tên tuổi của những họa sĩ, cộng tác viên nòng cột của mỗi cơ quan báo chí. Song chưa phải báo nào cũng coi trọng mảng đề tài này, thậm chí còn coi nhẹ hay chưa quan tâm đúng mức. Vì thế, sức lan tỏa của cuộc đấu tranh bằng ngôn ngữ biếm họa theo đó có thể bị hạn chế ít nhiều.
Việc tổ chức thẩm định, xem xét, ghi nhận, đánh giá, khen thưởng động viên các cơ quan báo chí làm tốt nội dung minh bạch thông tin phòng chống tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa thiết thực trong triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ hiện nay. Đảng đã có những nghị quyết quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết ấy chỉ có thể đi vào cuộc sống bằng chuyển tải qua các phương tiện truyền thông, trong đó có phần không thể thiếu là tranh biếm họa. Các cuộc hội thảo, tọa đàm, khai triển việc tuyên truyền cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bằng minh bạch thông tin bằng ngôn ngữ biếm họa chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của xã hội nếu được định hướng đúng, được triển khai thường xuyên với sự tham góp của nhiều cơ quan báo chí. Khơi dậy sức sáng tạo mạnh mẽ của những nhà báo, chiến sĩ trong sáng tác tác phẩm hội họa phục vụ cho nhiệm vụ trên có ý nghĩa quyết định sự thành công, nâng cao tính chiến đấu của tranh biếm họa. Đó là cách động viên khích lệ người làm báo có thêm niềm tin và dũng khí để nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của mình.