“Tội nghiệp thằng nhỏ, nó hiền lành và khỏe mạnh cả xóm ai cũng thương. Bị té xe chút xíu mà giờ đây phải lâm vào cảnh cụt chân”, ông Sáu Nghĩa, bán trái cây trước đình Hòa An, ven quốc lộ 62, vừa chỉ nhà anh Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ngụ tại phường 6, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, Long An) vừa nói.
Từ một bộ đội phục viên, một thanh niên khỏe mạnh, một lao động trụ cột của gia đình, giờ đây anh Lâm phải nhờ vào sự chăm sóc của người thân bởi vẫn chưa hết bàng hoàng với cái chân bị cắt tới 1/3 đùi của mình.
Cắt chân sau chẩn đoán “như giun” của bác sĩ
Anh Lâm cho biết, đến giờ mình vẫn không hiểu sao mình bị cắt chân. Giấy xuất viện mà bác sĩ Trần Chí Khôi (bác sĩ CKII, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM) ghi anh không đọc được vì chữ viết như giun. “Tôi đã nhiều lần nhờ các bác sĩ khác đọc mà không ai đọc được”, anh Lâm bức xúc.
Chẩn đoán của bác sĩ Khôi về ca bệnh của anh Lâm. |
Anh Lâm kể, khoảng 18h ngày 21/6, anh từ nhà điều khiển xe máy lên xã Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An) để giữ rẫy dưa thay cho cha mình. Do đường xấu nên anh bị té xe, chân phải đập mạnh vào gốc cây ven đường không thể tự đứng dậy được.
Sau đó anh được người dân chở đến Bệnh viện Mộc Hóa (Long An) cấp cứu. Xác định đây là ca nặng nên sau khi sơ cứu, Bệnh viện Mộc Hóa đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Long An.
Lúc này chân anh Lâm ngày càng sưng to và đau hơn nên gia đình quyết định chuyển thẳng lên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM với mong muốn được điều trị tốt hơn.
“Khoảng 23h cùng ngày, tôi nhập khoa Cấp cứu, lúc này chân tôi rất đau, sưng phù và lạnh như không còn cảm giác”, anh Lâm nhớ lại.
Bác sĩ Trần Chí Khôi khám và chỉ định chụp X-quang kiểm tra. Bác sĩ xem qua kết quả chụp phim rồi cho biết chỉ bị bong gân. Anh hỏi tiếp bong gân sao chân lại lạnh và đau dữ vậy thì bác sĩ nói không sao, sau vài ngày sẽ hết. Sau đó, kê toa thuốc cho xuất viện, hẹn tuần sau lên tái khám.
Về nhà được 3 ngày thì tình hình càng trở nặng, anh hầu như không còn cảm giác với chân mình nên gia đình đưa lên lại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình kiểm tra lại. Sau khi xem lại kết quả chụp phim, bác sĩ trực hôm đó nói: “Ca bệnh này nguy hiểm, cần phải nhập viện theo dõi từ 36 đến 72 giờ, sao lại cho bệnh nhân về”. Sau đó, bệnh viện đã họp và vội vã chuyển anh Lâm sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sáng 25/6, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán anh Lâm bị hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch kheo phải, chấn thương gối phải. Phương pháp điều trị: phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới đùi phải. "Các bác sĩ cho biết nếu không phẫu thuật kịp thời, tôi có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Gia đình tôi phải ký giấy đồng ý phẫu thuật", bệnh nhân này kể
Lao động chính của gia đình
Vừa chăm sóc cho con trai, bà Lý Thị Kim Chi rơm rớm nước mắt kể Lâm là con trai cả, là lao động chính. 2 ha dưa hấu ngày xưa một mình Lâm lo chăm sóc, 2 vợ chồng chỉ phụ. Lâm bị tai nạn, cả nhà phải theo chăm sóc nên bỏ bê vụ dưa vừa rồi lỗ mất gần trăm triệu đồng.
Lâm từ trụ cột trở thành gánh nặng gia đình. Ảnh: Huỳnh Hải |
“Khi Lâm còn nằm điều trị, ngày nào phía Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cũng gọi chúng tôi qua làm việc. Họ không nhận trách nhiệm và cũng không làm rõ sai phạm mà chỉ nói đó là điều đáng tiếc, bệnh viện không mong muốn. Bệnh viện hứa sẽ hỗ trợ lắp chân giả và hỗ trợ cuộc sống sau này cho Lâm", bà Chi nhớ lại.
Ngày 30/6, bệnh viện đưa ra một biên bản đề nghị gia đình bà ký. "Lúc đó chúng tôi tin vào những lời hứa hẹn từ bệnh viện nên cả hai vợ chồng chấp nhận ký biên bản với hy vọng được hỗ trợ. Sau đó, bệnh viện còn đưa ra tiếp một biên bản kêu gia đình ký cam kết không khiếu kiện nhưng chúng tôi không đồng ý”, bà Chi nói.
Chờ một năm sau mới hỗ trợ vì... không phải là trường hợp duy nhất
"Ngày 2/7, vợ chồng tôi trở lại bệnh viện đề nghị làm rõ các vấn đề hỗ trợ. Sau nhiều lần từ chối gặp, bệnh viện đã cử ông Võ Hòa Khánh, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng tiếp".
Gia đình rất bất ngờ khi ông Khánh cho biết tiền hỗ trợ phải 1 năm sau mới có. Ông Khánh còn thách thức, đây không phải là trường hợp duy nhất. Còn nếu muốn gia đình cứ đi mà kiện, 1 năm hay 10 năm coi có được nghìn nào không”, bà Chi uất ức.
Ngày 7/7, Lâm xuất viện, dù gia đình không đồng ý nhưng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình vẫn cho người qua đóng toàn bộ viện phí. Đến nay gia đình cũng không biết số tiền viện phí tại Bệnh viện Chợ Rẫy của Hoàng Lâm là bao nhiêu.
Lâm phải nhờ người thân hỗ trợ sinh hoạt. |
Bà Chi cho biết, trước đây Lâm mong muốn mở một quán ăn nhỏ gần nhà rồi buôn bán nuôi cha mẹ già. Hôm mới phẫu thuật tỉnh dậy, nhìn chân bị cưa, Lâm chỉ muốn tự tử.
Người bạn gái Lâm mới quen từ khi nghe anh bị tai nạn cũng không thấy đến thăm. Lâm kể đến giờ vẫn chưa quen được ánh mắt thương cảm của mọi người nên chỉ nằm trong nhà.