Đến 2021 phải giảm tối thiểu 10% cán bộ, công chức
Hiện nay, hiệu quả công tác tinh giản biên chế còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên. Thậm chí có nơi không những không cắt mà còn xin thêm biên chế. Theo công bố của Bộ Nội vụ, sau 10 năm thực hiện tinh giản biên chế, số lượng biên chế lại tăng thêm khoảng 20%. Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ công chức hưởng lương, phục cấp từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách...
Do đó, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu giảm 10% cán bộ, công chức đến năm 2021, nhưng dư luận vẫn hồ nghi, liệu mục tiêu này có khả thi không, khi mà nhiều năm nay hạ quyết tâm tinh giản, nhưng rút cục kết quả tinh giản vẫn là con số âm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng: “Không phải đến giai đoạn này mới đặt ra chỉ tiêu tinh giản biên chế, Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế cũng nói rõ mục tiêu phải đạt được đó là tinh giản 15% biên chế để có hướng phấn đấu.Tuy nhiên, việc tinh giản đã không đạt kết quả như mong muốn. Tinh giản biên chế không đạt mục tiêu đề ra, là bởi khi tổ chức thực hiện Nghị định 132 vẫn còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng “ra khỏi nền công vụ bao nhiêu thì lại lấy vào bấy nhiêu”. Hơn nữa tinh giản lại không gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, cho nên thực hiện chưa đến nơi đến chốn”.
Một cuộc thi công chức.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Nghị quyết 39 đề ra nhiều biện pháp, giải pháp, quyết tâm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị; giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016.
Từ năm 2017, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Biên chế không giảm, xử người đứng đầu
Các chuyên gia nhận định, việc ban hành Nghị quyết số 39 là rất cần thiết, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi ngân sách. Nhưng đây cũng là công tác khó khăn, nhiều thách thức, không phải nói là làm được ngay nên cần có sự quyết tâm, sự đồng lòng từ Trung ương đến cơ sở.
Vấn đề đặt ra là phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức mới không lặp lại quy trình ngược “càng giảm, càng tăng biên chế”.
Nghị quyết 39 nêu rõ: “nếu địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện được tỉ lệ tinh giản biên chế theo kế hoạch đã được phê duyệt hằng năm thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của Đảng, Nhà nước”.
Bộ trưởng Bộ Nội vu Nguyễn Thái Bình cũng cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ triển khai một loạt các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức.
Theo đó, sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó, bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tinh giản sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, cho nên nếu tinh giản không đúng đối tượng, qua kiểm tra, giám sát, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Việc tinh giản sẽ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người trực tiếp điều hành như cấp ủy đảng, người đứng đầu. Đặc biệt, các tổ chức chính trị xã hội như MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân cùng giám sát việc này”.
Đảng, Nhà nước nhận thức rõ tinh giản biên chế là việc làm cấp bách. Người dân kỳ vọng cuộc “đại phẫu” lần này sẽ kiện toàn được tổ chức bộ máy và thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế để không tạo thêm gánh nặng ngân sách, cản trở cải cách hành chính, cải cách công vụ và cải cách tiền lương.
Để việc tinh giản được thuận hơn, Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định 108/2014 trợ giúp quá trình tinh giản biên chế. Theo đó, sẽ có quy chế khuyến khích người chưa đến tuổi hưu có thể nghỉ hưu sớm nếu đã đóng BHXH 20 năm trở lên. Trong trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cũng sẽ được hưởng trợ cấp. Đối với người thuộc diện tinh giản có tuổi đời dưới 45 tuổi được đào tạo nghề để tự tìm việc mới. Trong thời gian đi học nghề sẽ được hưởng nguyên lương và được đóng BHXH trong vòng 6 tháng.... |