Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tình người của bà mẹ... bất đắc dĩ

Sống giữa Sài thành phồn hoa nhưng người phụ nữ ấy hầu như không biết cuộc sống ngoài kia có gì. Cuộc đời bà triền miên trong những ngày vất vả và nỗi đau không bao giờ vơi cạn. Cả ba người con của bà chẳng đứa nào lành lặn hình hài nhưng bà vẫn kiên cường sống. Trong cơn bĩ cực của số phận, bà nhận thêm một thành viên bé nhỏ bị bỏ rơi về nuôi, khó khăn vì thế cũng thêm chồng chất...

1. Ngôi nhà chật hẹp ở đường Gia Phú, phường 1 (quận 6, TP. Hồ Chí Minh) là nơi trú ngụ của gia đình bà Trần Ngọc, bà cùng chồng ngấp nghé tuổi 60 nhưng vẫn là lao động chính của gia đình. Ông bà sinh được ba con trai, trong khi bố mẹ đều khỏe mạnh thì cả ba người con đều bị bệnh tim bẩm sinh, cộng thêm chân tay cong queo, miệng méo và càng lớn thì càng ngây ngây dại dại. Hết đứa này đến đứa khác đau ốm liên miên nên thời gian gia đình bà sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Chồng bà, ông Thái Phục Thành, trước là kỹ sư cơ khí nhưng bị nghỉ việc vì phải dành gần như toàn bộ thời gian ra vào ở bệnh viện chăm con.

Ngoài bé Q, bà Ngọc còn vất vả với “đứa trẻ” 34 tuổi luôn nói cười trong vô thức. 

 Cuộc sống của vợ chồng bà Ngọc cứ chìm dần vào khốn cùng của bế tắc khi càng lớn, hai người con càng ngơ ngẩn trầm trọng. May mắn còn một đứa bệnh nhẹ hơn, có thể gọi tròn vành chữ mẹ, cha nên bà Ngọc cho đi học. Nhưng học vừa đủ biết mặt chữ thì cháu đã phải nghỉ học vì sức khỏe yếu. Đó là người con thứ hai, dẫu đau yếu nhưng sau này vẫn tìm được hạnh phúc riêng cho mình. Người con út thì chỉ sống được 20 năm rồi mất. Người con trai đầu của ông bà nay đã 34 tuổi, phải nhốt trong lồng sắt vì “nó cười khóc suốt ngày, hễ thả ra là bỏ đi mất”. Phải tự mình nhốt con, nhiều lần chứng kiến cậu cả vùng vẫy đập đầu vào tường đến chảy máu để đòi ra ngoài, bà Ngọc xót cả ruột gan nhưng chẳng thể làm khác. “Dù vất vả đến mấy thì tôi cũng chịu được, vì dù sao mình cũng có con cái, trong khi nhiều người muốn có một mụn con cũng không được”, bà Ngọc cười đấy mà như khóc.

2. Thấy gia cảnh vợ chồng bà Ngọc khó khăn, một người hàng xóm giới thiệu cho bà nhận giữ trẻ để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho con. Lúc đầu bà hơi ái ngại vì chưa nhận trông trẻ bao giờ, chưa kể trong nhà đang còn một “đứa trẻ” 34 tuổi. Nghe hàng xóm khuyên “giữ em bé vừa có tiền vừa vui cửa, vui nhà”, bà Ngọc cùng chồng nghe thấy xuôi tai, vì ở cái tuổi và hoàn cảnh của ông bà, dù có sức khỏe còn tốt cũng không dễ kiếm được việc làm thêm. Từ hôm đó, gia đình bà có thêm một thành viên bé nhỏ gần hai tháng tuổi. Mẹ của đứa bé tự giới thiệu tên là Mỹ Ng, làm nghề buôn bán, sống ở cùng quận 6 với gia đình bà Ngọc. Với 3 triệu đồng/ tháng từ việc trông trẻ, vợ chồng bà Ngọc có thêm chút đỉnh để trang trải cuộc sống. Và cũng từ ngày có bé Minh Q, ngôi nhà của ông bà trở nên sôi nổi, ấm cúng hơn.

Bé Q trong vòng tay yêu thương của bà Ngọc.

Nhưng... Cuộc sống vẫn luôn nhiều chữ “nhưng” không thể định đoán. Được một năm thì cô Mỹ Ng. biến mất, không tới trả lương cho ông bà đã đành mà cô ta còn bỏ luôn đứa con của mình. Vợ chồng bà Ngọc hoang mang, tìm cách liên lạc với gia đình cô Ng. Lần mò mãi họ cũng tìm được địa chỉ cần đến, lúc này ông bà mới biết gia cảnh của Ng. vô cùng bi đát. Cha mẹ Ng. mất sớm, anh em nghèo đói và tuyệt nhiên không ai biết hiện giờ Ng. ở đâu. Lại dò hỏi, lần tìm được tới gia đình chồng của Ng, hoàn cảnh cũng túng quẫn. Bà Mai, mẹ chồng của Ng, đã lùng sục tất cả các nơi có thể hy vọng, đến tất cả những người thân quen nhưng không hay ai biết tung tích Ng hiện ở đâu.

Bất đắc dĩ, vợ chồng bà Ngọc mang bé Q. sang trả bên ngoại, nhưng khi gặp bà ngoại của bé lưng đã còng, tóc trắng xóa vẫn phải kiếm từng đồng bạc lẻ bằng nghề buôn bán ngoài đường để vừa lo cho cả gia đình, vừa chăm thêm anh trai bé Q, bà Ngọc quyết định ôm bé Q quay về nhà. Trong lòng bà vẫn tràn đầy hy vọng một ngày nào đó mẹ của bé sẽ quay trở về tìm con, vì bà tin không có người mẹ nào trên đời nỡ bỏ con. Thế nhưng, tháng ngày trôi qua, niềm hy vọng của bà càng mù mịt. Bé Q cứ thế lớn lên mỗi ngày trong vòng tay yêu thương của “ông bà ngoại” không phải là máu mủ.

Như sự sắp đặt ngẫu nhiên của số phận, từ chỗ bất đắc dĩ phải nuôi thêm con người dưng, vợ chồng bà Ngọc ngày càng yêu thương bé Q nhiều hơn, nhất là khi bé tập nói, câu đầu tiên Q biết gọi là “mí ngoại” (bà ngoại). Trong ngôi nhà ấy, hai người già, một trẻ nhỏ cùng một đứa ngơ ngẩn không nói thành lời gắn với nhau bằng tình ruột thịt và tình người như một chuyện cổ tích. Bà Ngọc yêu quý Q như con gái mình, tiếng bi bô của bé khiến cuộc sống của ông bà trở nên vui tươi hơn, nhẹ nhàng hơn, dù nỗi lo cơm áo vẫn luôn đè nặng. Và bà vẫn hy vọng, một ngày nào đó bé Q sẽ trở về với mẹ ruột của mình, vì với tình cảnh này, tuổi mỗi ngày một yếu, ông bà không thể nuôi nổi Q khôn lớn.

Hàng ngày, vợ chồng bà Ngọc vặn ốc bu đông từ sáng đến khuya và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

3. Gần nửa năm sau, gia đình bên nội của bé Q chạy sang báo tin, Ng. dính vào vòng lao lý. Bản thân gia đình chồng của Ng. cũng không hay biết cả con trai và con dâu của mình cùng buôn bán ma túy và bị bắt, đó cũng là lý do Ng bỗng nhiên “mất tích”, bỏ lại bé Q cho vợ chồng bà Ngọc nuôi. Ngày Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử Lý Ngọc Mỹ Ng, bà Ngọc ôm bé Q đến dự. Bị cáo Ng. cúi gằm mặt và khóc suốt phiên tòa. Cô ta không dám ngẩng mặt lên nhìn con một lần. Tòa tuyên án Ng. 10 năm tù giam về tội tàng trữ, mua bán chất ma túy. Nhìn Ng ngất lịm dưới vành móng ngựa, bà Ngọc cũng ôm chặt bé Q khóc ròng. Vậy là 10 năm nữa, bé Q mới được gặp mẹ. 10 năm nữa, ông bà tiếp tục chống chọi với nghèo khổ để nuôi dưỡng đứa trẻ tội nghiệp.

Vợ chồng bà Ngọc quyết định giữ bé Q lại nuôi vì tình thương với con trẻ và đạo nghĩa ở đời. Ba đứa con dứt ruột đẻ ra đã không lành lặn, nay có bé Q ríu rít trong nhà, ông bà tìm thấy niềm vui và sự ấm áp. Bé Q bây giờ đã gần 4 tuổi, đã biết nói và biết cảm nhận được sự yêu thương của “mí ngoại”. Không biết có ai nói với bé về hoàn cảnh, nhưng mỗi khi nhắc đến cha, mẹ là bé chạy lại ôm chặt “mí ngoại” khóc. Có bất cứ người khách lạ vào nhà là Q chạy đi ẩn náu. Bé luôn miệng la: “Đừng bắt con, con không đi đâu”. Không biết từ bao giờ, bản năng chạy trốn đã hình thành trong suy nghĩ của đứa trẻ này.

Bé Q đến tuổi đi học mầm non, vợ chồng bà Ngọc gửi Q vào trường tư thục, mỗi tháng hết hơn một triệu đồng. Đó là tiền ông bà chắt bóp, vất vả từ việc làm bu đông gia công tại nhà. Mỗi ngày, ông bà bắt đầu làm từ lúc 7 giờ sáng đến 21 giờ mới nghỉ. Cứ vặn ốc cho 100 cái bu đông mới được 2.000 đồng. Một ngày làm tổng lực cũng được 70 - 80 ngàn đồng. Phần ăn và sinh hoạt của bé Q không đáng kể nhưng tiền đóng học phí thì rất chật vật. Ái ngại trước nghĩa cử cao thượng của ông bà Ngọc, bà Mai lâu lâu qua thăm cháu, cũng chỉ cho được hộp sữa, miếng bánh. Khi không có tiền mua đồ thì bà sang phụ làm bu đông. Trong lòng bà Mai, ông bà Ngọc chính là ân nhân, vì rất thương cháu nhưng bà không còn đủ khả năng nuôi dạy Q.

  “Tôi sẽ cưu mang và nuôi dạy cháu cho đến khi mẹ nó quay lại nhận con. Còn nếu chuyện đó không xảy ra, chúng tôi sẽ nuôi Q cho đến khi sức lực không còn. Nhìn cháu thế này sao nỡ bỏ?”, bà Ngọc thật thà cho biết. Với bà, một chữ bẻ đôi cũng chưa biết, phố phường cách vài bước chân cũng thấy xa lạ, nhưng tấm lòng của bà, tình người của bà đúng là như một câu chuyện cổ tích.