Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Tình người sau những tờ vé số dạo

Từng đi bán vé số dạo để kiếm sống nên anh Đặng Dưỡng (ngụ đường Lê Văn Quới, quận Bình Tân, TP.HCM) thấu hiểu được nỗi khổ của những người nghèo, người khuyết tật không có chỗ ở trọ, không có tiền cọc vé số, vì vậy anh quyết định vay mượn một ít vốn mở đại lý vé số cưu mang những người cùng cảnh ngộ với mình.

Tay trắng làm giàu

Khởi nghiệp với vài trăm nghìn, anh Đặng Dưỡng lấy đại lý vài chục tờ vé số, rảo chân khắp các con đường Sài Gòn đi mời mọc từng người, hết thì quay lại đại lý trả tiền, lấy vé bán tiếp cho kịp ngày. Có nhiều lần vì không kịp trả vé nên anh “ôm” luôn vài chục tờ, hôm sau lại bù tiền trả cho đại lý.

Cần nhiều đại lý vé số tốt bụng như anh Dưỡng để những người bán vé số xa nhà an tâm và vững bước hơn trên muôn nẻo đường mưu sinh. Ảnh minh họa.

Anh Dưỡng kể: Người nào được đại lý thương tình thì cho thiếu tiền cọc, cuối ngày trả, nhưng không phải ai cũng được may mắn như vậy. Mỗi tờ vé số mệnh giá 10.000 đồng thì tiền lời được hơn 1000 đồng. Bán 1 tờ vé số, tiền lời chưa đủ mua 1 ly trà đá để giải khát. Nhưng nhờ chịu khó siêng đi mời nhiều người nên thu nhập của anh cũng khá. Ngày nào may mắn bán đắt được hơn trăm tờ, cũng kiếm được hơn 100.000đ. Cuộc sống với anh những ngày đó vậy là tạm ổn.

Thế nhưng nhiều lần chứng kiến những “đồng nghiệp” của mình không có tiền cọc vé phải bỏ đi làm việc khác, hay đi bán vé số về lang thang không có chỗ trọ nên anh Dưỡng quyết định gom một ít vốn, thuê nhà mở đại lý rồi kêu gọi những người không có tiền cọc lấy vé của mình đi bán cuối ngày mới trả lại tiền.

Anh Dưỡng chia sẻ, lúc mới mở đại lý anh cũng bị nhiều người quỵt tiền, ôm vé số bỏ đi biệt tích nhưng anh cứ nghĩ chắc họ đang khó khăn nên làm vậy. "Giật chi mấy tấm vé số sao mà giàu được, tôi biết có nhiều người chỉ vì khó khăn, họ cũng muốn quay lại nhưng vì lòng tự trọng nên tránh mặt tôi". Anh Dưỡng bộc bạch.

Không chỉ cho những người bán vé số nợ tiền cọc vé, anh còn thuê một căn nhà nguyên căn vừa làm đại lý vừa cho những nguời bán vé số dạo khó khăn ở trọ miễn phí. Hiện anh đang cưu mang 5 người, 3 người già và 2 thanh niên khuyết tật, họ lấy vé số của anh không cần tiền cọc còn được ở miễn phí.  

Chị Cao Thị Nhàn (47 tuổi), một người bán vé số dạo được anh Dưỡng giúp đỡ, cưu mang kể với chúng tôi: "Tôi bán vé số ở nhiều nơi rồi nhưng vì phải ở trọ nên thu nhập rất ít. May được anh Dưỡng cho ở miễn phí, lại được lấy vé không cần tiền cọc khiến chúng tôi phấn khởi vô cùng, nhờ vậy mà chúng tôi có chỗ ăn chỗ ở, yên tâm đi bán vé số nuôi sống gia đình”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi nhà anh Dưỡng thuê có 1 tầng lầu, anh đã ngăn hai phòng cho đàn ông và phụ nữ bán vé số tá túc, nghỉ ngơi. Không chỉ miễn phí chỗ ở mà mọi chi phí sinh hoạt anh điều không tính tiền.

Vui buồn chuyện nghề

Chia sẻ về kinh nghiệm nghề bán vé số dạo, anh Dưỡng cho biết nghề này cũng lắm rủi ro. Ngoài chuyện lúc đắt lúc ế, thì điều mà dân bán vé số, nhất là những người già và tàn tật sợ nhất đó chính là những kẻ dã tâm, rình rập đi giật vé của họ. Chúng giả đò tấp xe hỏi mua, cầm xấp vé số lựa lựa, rồi rồ ga chạy mất. Hay những kẻ cạo sửa làm số trúng giả, cứ lựa người bán dạo ngô nghê mà đổi. Gặp cảnh đó thì người bán vé số dạo chỉ còn biết ngồi khóc.

Ngoài chuyện đắt ế, người bán vé số còn bị những kẻ dã tâm, rình rập, giật vé của họ. 

Một lần có chị hay lấy vé số tại đại lý của anh đến đổi 5 tờ vé số trúng giải khuyến khích, sau khi xem xét kỹ anh báo cho chị bán vé số kia đây là những tấm vé số giả, thế là chị ta khóc thét lên vì biết mình bị lừa. Sau một hồi hướng dẫn cho chị cách nhận biết vé số thật giả, anh cho chị lấy thêm vé không cần cọc tiền để có vé bán cho hôm sau.

Anh Dưỡng cho biết hiện nay anh chỉ làm đại lý vé số cho Đài thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…  Trong đó vé số kiến thiết TP.HCM được nhiều khách hàng chọn mua, một phần là người dân thành phố ai cũng muốn mua vé số nơi mình ở, mà lỡ có trúng đi nhận thưởng cũng tiện”. Anh Dưỡng nói vui.

Nói về doanh thu của đại lý mình, anh Dưỡng chia sẻ, mình là đại lý nhỏ nên doanh thu cũng không cao lắm, chỉ đủ trang trải cuộc sống và trả tiền nhà thuê. “Nhiều người bảo mình làm vậy sao có lời nhưng mình nghĩ mình độc thân, giúp được cho ai được thì mình giúp thôi, mình chỉ mong từ những tấm vé số nhiều người sẽ có cuộc sống khấm khá hơn”. Anh Dưỡng tâm sự.

Trước khi chia tay, chúng tôi có nhã ý xin vài tấm hình cho bài viết nhưng anh một mực chối từ. Anh bảo ngoài đời còn nhiều người tốt hơn anh nhiều, việc làm của anh chỉ là việc nhỏ, bình thường giữa cuộc sống này…

Hành trình mưu sinh của những người bán vé số dạo còn lắm gian nan, mong sao sẽ có thêm nhiều người, nhiều đại lý vé số tốt bụng như anh Dưỡng để những người bán vé số xa nhà an tâm và vững bước hơn trên muôn nẻo đường mưu sinh.