Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tình nguyện viên: Những người góp phần phòng, chống tệ nạn xã hội từ cơ sở

Với vai trò nắm bắt địa bàn, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng, Đội công tác xã hội tình nguyện được ví như “cánh tay” nối dài của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở.

Hiện nay 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đều có đội công tác xã hội tình nguyện, với 4.000 tình nguyện viên. Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, các đội công tác xã hội tình nguyện đã tiếp cận tư vấn trực tiếp, gián tiếp cho 35.068 lượt người, vận động 549 người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện; tiếp tục duy trì quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và người có nguy cơ cao mắc nghiện tại địa phương được phân công năm 2021 và tiếp nhận quản lý giúp đỡ 883 người đi cai nghiện tại các cơ sở về trong 6 tháng. Đồng thời cung cấp 126 tin liên quan đến tệ nạn xã hội; tuần tra, rà soát địa bàn 5.567 lượt, buổi phòng ngừa phát sinh tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm.

Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề tư vấn, hỗ trợ người nghiện tại địa bàn (Ảnh MH).

Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề tư vấn, hỗ trợ người nghiện tại địa bàn (Ảnh MH).

Tại quận Long Biên, được biết hiện nay, trên địa bàn quận có 14 đội công tác xã hội tự nguyện ở 14 phường với 118 tình nguyện viên, hoạt động khá hiệu quả. Các tình nguyện viên của mỗi đội đã đảm nhiệm vai trò chủ yếu trong công tác quản lý người nghiện ma túy nói chung và sau cai nghiện nói riêng. Đồng thời, quận Long Biên phối hợp và giúp đỡ đắc lực cho lực lượng công an trong công tác phòng, chống ma túy, là cánh tay kết nối giữa người nghiện ma túy và chính quyền cơ sở để giảm nhẹ kỳ thị người nghiện; qua đó, động viên khích lệ người nghiện có ý chí cai nghiện, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy.

Bên cạnh đó, toàn bộ người sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú đều được quận và phường phân công lực lượng tình nguyện viên, hội viên các đoàn thể quản lý, giúp đỡ thông qua các hoạt động quản lý, tư vấn dạy nghề, tìm việc, cho vay vốn ưu đãi để tự tạo việc làm... Cùng với nâng cao hiệu quả quản lý, huy động cộng đồng cùng tham gia, việc hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng đã và đang giúp tăng hiệu quả quản lý sau cai nghiện ma túy tại quận Long Biên thời gian qua.

Chia sẽ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, Đội CTXHTN phường Bồ Đề có 9 tình nguyện viên, đang theo dõi, quản lý hơn 70 đối tượng nghiện ma túy. Với mong muốn góp phần làm giảm và triệt tiêu tệ nạn ma túy trên địa bàn, nhiệm vụ của đội CTXHTN là thực hiện tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân đối với tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán người; tư vấn, tham vấn, quản lý trường hợp; phối hợp, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, phát hiện hành vi vi phạm. Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đội CTXHTN đã trở thành điểm tựa của những người nghiện có quyết tâm cai nghiện ma túy, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn phường Bồ Đề.

Ông Hùng tâm sự: “Tuy công việc không hề đơn giản nhưng niềm vui của tôi và anh em trong đội là giúp đỡ được những người nghiện ma túy đi cai tự nguyện, hoặc giới thiệu việc làm, vận động họ đi làm, có việc làm ổn định, không tái nghiện”. Những người mắc nghiện ma túy sau khi đi cai nghiện về họ thường mặc cảm, buồn vì xã hội kỳ thị, rất khó hòa nhập, khó kiếm việc làm ổn định dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao”. Do đó, đội công tác tình nguyện phải thường xuyên quan tâm, gặp gỡ, nhắc nhở, hỏi thăm người đã cai nghiện để lắng nghe và hiểu được họ cần gì, đang gặp vấn đề gì để giúp đỡ, tháo gỡ.

Từ năm 2019 đến nay, quận Long Biên triển khai thí điểm mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy", đặt tại phường Bồ Đề. Khi mô hình này đi vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Hùng được giao nhiệm vụ làm điều phối viên, giúp người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ từ khâu tư vấn, khám bệnh ban đầu cho đến cắt cơn, hòa nhập cộng đồng. Thông qua sự động viên, giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Hùng cùng các tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề cũng như sự chỉ đạo, định hướng của chính quyền địa phương, những năm gần đây, việc đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy ở phường Bồ Đề luôn vượt chỉ tiêu.