Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tình trạng hậu COVID-19 trên người trẻ từ 2 – 5 tháng

Đa phần người đã từng mắc COVID-19 còn tồn tại triệu chứng sau đó từ 2 - 5 tháng. Đây là một trong những kết quả của nghiên cứu đánh giá tình trạng hậu COVID-19 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì, khảo sát trên 17.000 người. Trong đó, chủ yếu có độ tuổi từ 16 - 35.

Ngoài tỷ lệ gần 68% số người khảo sát có triệu chứng hậu COVID-19 sau 2 - 5 tháng thì hơn 17% bệnh nhân có triệu chứng nhiều hơn 5 tháng và gần 5% vẫn còn triệu chứng sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh nhân thường có 2 - 3 triệu chứng điển hình, tập trung ở nhóm bệnh liên quan đến tâm thần như chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ và nhóm bệnh về hô hấp, như ho, khó thở.

Nghiên cứu cũng chỉ ra đối, với nhóm người trẻ, mức độ và thời gian bị COVID-19 kéo dài không liên quan thời gian bị bệnh hay mức độ nghiêm trọng khi mắc. Và bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng COVID-19 kéo dài.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy, dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân kéo dài triệu chứng COVID-19.

Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các hội chứng hậu COVID đang trở thành vấn đề được quan tâm cấp thiết hiện nay. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 200 triệu chứng COVID-19 kéo dài đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng hồi phục về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất:

Đó là, các vấn đề hậu COVID-19 đa dạng và dàn trải cả về chuyên khoa, mức độ, địa bàn, do đó, để có thể can thiệp một cách toàn diện cần có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội và chuyên môn y tế. Đặc biệt, những vấn đề cấp thiết như tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trường học, nhà máy, xí nghiệp… cần có các giải pháp hỗ trợ và mở rộng bao phủ can thiệp.

Nghiên cứu mở rộng các mô hình dựa vào cộng đồng trong can thiệp hậu COVID-19, tạo phong trào nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và củng cố các mô hình y tế cơ sở đã có, hướng đến giảm thiểu tác động hậu COVID-19; hỗ trợ chính sách, thúc đẩy xã hội hóa y tế giúp mọi người dân đều có điều kiện kiểm tra chức năng hô hấp và tăng cường hướng dẫn, phổ biến những bài tập phục hồi chức năng hô hấp. Cần có chính sách thúc đẩy hơn nữa số hóa trong công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe qua nền tảng công nghệ, tạo điều kiện cho các startup y tế tham gia sâu rộng vào hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe qua nền tảng công nghệ…

Đối với người dân, Hội Thầy thuốc trẻ khuyến cáo tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý; tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ Y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19; theo dõi thể trạng, lưu ý những hội chứng hiếm (tự miễn dịch, đau ngực kéo dài, …) nhưng cũng tránh hoang mang, tìm đến cơ sở y tế khi không cần thiết.

Các triệu chứng hậu COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi mắc COVID-19 và đã hồi phục hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…

Trong đó, theo Bộ Y tế, mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc COVID-19, được mô tả là một cảm giác quá tải hay kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.

Mệt mỏi về thể chất: Người bệnh cảm thấy cơ thể rất nặng nề, những hoạt động thể lực dù nhẹ nhàng cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Mệt mỏi về nhận thức và tinh thần: Người bệnh khó tập trung suy nghĩ, hoặc tiếp nhận thông tin mới, trí nhớ cũng như công việc, học tập bị ảnh hưởng.