Nghị định 20 đang đi vào cuộc sống
Sau khi Nghị định 20 được ban hành vào ngày 15/3/2021, Bộ LĐ-TB&XH ra Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH vào ngày 24/6/2021, các tỉnh thành trong cả nước lần lượt có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị định 20.
Các địa phương trên cả nước đều tích cực triển khai thực hiện Nghị định 20 trên địa bàn của mình. Căn cứ vào tình hình của địa phương, các đơn vị đã tổ chức hội nghị quán triệt việc thực hiện Nghị định 20 một cách nghiêm túc, triệt để, khẩn trương để các đối tượng được nhận trợ cấp xã hội yên tâm.
Tiếp theo, các cơ quan báo chí, truyền thông đã vào cuộc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20. Phương châm hoạt động của cơ quan chức năng là không bỏ sót đối tượng nào nên các tổ chức, cá nhân làm việc rất chu đáo, nhiệt tình.
Nhìn chung Nghị định 20 đã đi vào cuộc sống. Điều này góp phần bảo đảm cho các đối tượng gặp yếu thế có thêm điều kiện để vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Và có một điều quan trọng nữa là trong quá trình thực hiện Nghị định 20, nhiều người hiểu rằng, cần có sự huy động và hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức, cá nhân một cách tự nguyện thì nhiều đối tượng khó khăn mới được bảo đảm cuộc sống. Thế là có một “làn sóng” hỗ trợ người yếu thế được hình thành.
Có thêm một “nghị định 20 của lòng dân”
Dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cả Chính phủ và người dân. Chính phủ đã tập trung lực lượng, nguồn lực để chống dịch, để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn. Tuy nhiên, nguồn tiền từ ngân sách có hạn, lực lượng chức năng cũng không thể có mặt ở khắp mọi nơi. Nhưng chúng ta có một hệ thống chính trị được tổ chức chặt chẽ và cả hệ thống này đã vào cuộc. Ngoài các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Phụ nữ, các hội cũng đã thể hiện vai trò của mình. Các tổ chức này đã huy động và đưa nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến với người dân có hoàn cảnh khó khăn ở rất nhiều nơi. Mô hình hỗ trợ khác được nhiều đơn vị, địa phương triển khai là bố trí nơi ở tạm thời cho lao động ngoại tỉnh bị “mắc kẹt”, xây dựng “kho gạo miễn phí”, “gian hàng 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”...
Ở các TP. lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... việc quan tâm đến các đối tượng yếu thế đã được đẩy mạnh. Công tác này ở Thủ đô Hà Nội được quan tâm đặc biệt. Mới đây, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương thông tin: “Chỉ tính riêng nguồn lực hỗ trợ có thể thống kê, từ đầu tháng 7/2021 đến nay, nguồn lực trợ giúp của TP. Hà Nội đến với người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Điều đó phần nào cho thấy, thành phố luôn cố gắng không để ai phải đơn độc đối diện với khó khăn”.
TP Hồ Chí Minh là nơi bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề nhất, người dân ở đây gặp nhiều khó khăn nhất. Hiểu rõ điều này, các cơ quan chức năng của TP đã nhanh chóng triển khai các hoạt động hỗ trợ để giúp dân. Ví dụ, gia đình chị Trần Thị Thu Cúc ( ngụ tại P. 7, Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có 4 người: Hai vợ chồng làm lao động tự do đã thất nghiệp từ đầu mùa dịch, có 2 con thì có 1 cháu bị khuyết tật. Chồng chị Cúc làm bảo vệ với mức lương ba cọc ba đồng. Mấy tháng vừa qua, gia đình chị Cúc phải chật vật xoay xở mọi cách để duy trì cuộc sống. Chị Cúc tâm sự: “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm mà gia đình tôi đã được nhận nhiều khoản trợ cấp kịp thời. Những khoản tiền trợ cấp này là điểm tựa chính giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong mùa dịch”. Ngoài khoản trợ cấp 760.000đ hàng tháng từ chính sách dành cho các hộ nghèo, đợt 1, gia đình chị Cúc đã nhận 1,5 triệu, đợt 2 cả nhà chị cũng nhận được 1,2 triệu tiền mặt và 1 túi an sinh trị giá 300.000đ. Gần đây nhất, cả 4 người trong gia đình chị Cúc cũng đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3 với tổng số tiền 4 triệu đồng/4 người. Ngoài các khoản trợ cấp bằng tiền mặt từ chính quyền địa phương và thành phố, gia đình chị Cúc còn nhận được sự chăm lo của các đoàn thể, đơn vị với các phần quà là đủ loại thực phẩm thiết yếu.
Chia sẻ về các khoản trợ cấp dành cho các hộ nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong đợt 3, TP. đã hỗ trợ cho gần 2 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và 5,3 triệu lao động có hoàn cảnh khó khăn và người đang lưu trú tại TP. HCM. Đúng là TP. đã hỗ trợ theo chủ trương “Chính sách nào, đối tượng đó”.
Trong khó khăn, tinh thần nhân ái, sẻ chia của người dân Việt Nam càng được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ. Người có của góp của, người có công góp công, cứ thế, cộng đồng đã cùng các cơ quan chức năng quan tâm, chăm lo cho đời sống của người dân nghèo. Cách thức quan tâm, trợ giúp người nghèo được triển khai đa dạng, phong phú, linh hoạt từ nguồn hỗ trợ bằng ngân sách và cả từ nguồn xã hội hóa. Đây là nét đẹp trong xã hội ta, đồng thời cũng là tính ưu việt của chế độ.