Nằm trên giường bệnh tại phòng 202 khoa Nội cơ xương khớp, Viện Y Dược học cổ truyền TP.HCM, anh Lê Văn Thành (quê xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chỉ còn da bọc xương, tay chân teo tóp.
Anh Thành sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo ở Thanh Hóa. Cha mẹ làm nghề nông, các anh chị đều có gia đình, anh là con trai út. Năm 2005, anh thi đỗ vào Trường ĐH Thương mại ở Hà Nội nhưng học được đến năm hai thì cha bệnh nặng. Vì nhà không có tiền nên anh Thành quyết định nghỉ học vào TP.HCM làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho cha và học thêm tiếng Hàn đi xuất khẩu lao động.
Số phận nghiệt ngã
Năm 2007, khăn gói vào TP.HCM vừa học vừa làm thêm, trong lúc đang đứng trên lầu ba của công trình để xây tường, anh Thành không may trượt chân ngã xuống. Từ cú ngã ấy, anh bị liệt phải nằm một chỗ. Nằm bệnh viện được một tuần chưa kịp báo tin về nhà thì ngoài quê gọi vào bảo anh về chịu tang cha. Đây là khoảng thời gian đau khổ tột cùng của anh.
Mẹ anh Thành, một bà cụ gần 80 tuổi, lo tang cho chồng xong thì khăn gói vào chăm lo cho con. Hai mẹ con anh thuê căn phòng nhỏ ở phường Tân Phú, quận 9 để ở. Mọi sinh hoạt cá nhân anh đều dựa vào mẹ. Hơn 10 năm nay hai mẹ con anh sống đời lang bạt. Hằng ngày, mẹ đẩy con trên xe lăn cầm vé số đi bán khắp những con đường ở quận 9, dù trời mưa hay nắng. Mọi người trong xóm ai cũng biết hoàn cảnh của hai mẹ con nên hay cho bó rau, miếng thịt đắp đổi qua ngày.
Đang nằm trên giường bệnh, người anh tự nhiên co lại, miệng la to: “Rút! Rút!”. Một phụ nữ ngồi kế bên nhanh như sóc chạy đến vội vã xoa bóp hai bàn chân. Vài phút sau người anh bình thường trở lại. Nói chuyện với chúng tôi, anh Thành quay sang người phụ nữ ấy, giọng nhẹ nhàng giới thiệu: “Đây là Nga, là vợ anh. À, là vợ đúng không vợ?” - anh Thành hỏi lại người phụ nữ.
“Trải bao nhiêu chuyện đau buồn tôi muốn chết đi cho xong, bởi sống mà không làm gì được lại còn báo hại mẹ già. Thế rồi phép màu đã đến với tôi khi một ngày đầu năm 2014, Nga tìm đến và tự nguyện chăm sóc tôi đến hôm nay. Thế là tôi lại có thêm sức mạnh để sống tiếp. Ông trời đã lấy của tôi rất nhiều thứ nhưng bù lại đã mang Nga đến với tôi, thế là hạnh phúc lắm rồi”.
Niềm hạnh phúc trên gương mặt anh Thành khi được chị Nga chăm sóc. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xứng đáng với tình yêu
Người đã viết nên câu chuyện cổ tích cho cuộc đời anh Thành là chị Hồ Thị Nga (40 tuổi).
Chị Nga quê ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Lúc sinh ra chị là người khỏe mạnh như bao người khác. Năm 13 tuổi, chân chị bỗng nhiên to ra từng ngày, bác sĩ ở quê chẩn đoán chị bị bệnh phù chân voi. Dù đã được phẫu thuật nhưng đôi chân lại càng phát triển. Nhà nghèo, không có điều kiện điều trị tiếp, chị Nga đành chấp nhận mang bàn chân dị dạng trên người.
Mặc cảm với số phận, chị sống khép kín, hằng ngày cứ quanh quẩn trong nhà. Đầu năm 2013, tình cờ chị đọc được một bài báo viết về tai nạn của anh Thành. Chị đồng cảm với số phận của anh, kết bạn rồi một thân một mình vào TP.HCM tìm và chăm sóc cho người mình thương. Đầu năm 2016, một hội từ thiện đã tìm đến và giúp chị phẫu thuật chân. Cho đến nay chân chị đang dần ổn định.
Chúng tôi hỏi động lực nào khiến chị từ bỏ quê, một mình lên TP.HCM tìm anh Thành, trong khi chị đã biết trước hoàn cảnh anh như thế? Chị Nga kể: “Khi đọc bài báo xong, tôi cứ nghĩ nhắn tin hỏi thăm vậy thôi. Ai ngờ Thành cũng nhắn tin lại, tôi có đề nghị kết bạn nhưng Thành nói mình không xứng đáng, lúc đó tôi giận quá xóa số luôn. Hơn một năm mất liên lạc thì đến ngày 8-3-2014, bất ngờ tôi nhận được một cuộc điện thoại chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ. Nghe giọng nói của Thành, tôi nhận ra ngay và không hiểu sao lúc đó tôi vui lắm, cảm nhận rất rõ hạnh phúc đang chào mình. Rồi tôi đi theo con tim mách bảo…”.
“Giờ chị là một người bình thường, còn anh Thanh bị liệt như vậy, có một lúc nào đó chị cảm thấy tủi thân và muốn bỏ cuộc không?” - chúng tôi hỏi.
Chị Nga lắc đầu, đáp: “Tôi đến với Thành không phải là thương hại mà là thương từ tận đáy lòng. Nhiều người cũng bảo tôi sao không tìm việc làm sống một mình cho khỏe. Suy nghĩ ấy là của người ngoài; còn với tôi, được chăm sóc Thành mỗi ngày là một niềm vui cho dù khổ cực như thế nào tôi cũng chấp nhận”.
Nhưng rồi khổ cực không buông tha họ. Trong lúc Thành có niềm vui sống thì lại phải tiếp tục đối diện với bệnh tật. Hơn hai tháng nay anh có triệu chứng tiểu ra máu, khó thở, bác sĩ bảo phải nằm bệnh viện để theo dõi.
Nga và mẹ già thường xuyên đổi vai cho nhau. Nếu một người túc trực ở bệnh viện chăm anh thì người kia dạo bộ bán vé số lo cho cả gia đình. Dù có bảo hiểm y tế nhưng tiền phòng phải đóng 80.000 đồng/ngày, đó là chưa kể tiền thuốc men.
Những ngày qua họ chăm nhau bằng nụ cười nhưng thỉnh thoảng cả hai quay mặt đi cố giấu những giọt nước mắt. Dù đang được nuôi sống bằng tình yêu, con đường phía trước của họ vẫn quá chông chênh…
Bạn đọc giúp đỡ anh Lê Văn Thành xin gửi về số tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản vui lòng ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp anh Lê Văn Thành”). |