Nội dung diễn tập gồm 2 phần: Diễn tập cơ chế tại Văn phòng Thường trực, các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo diễn tập.
Phần 2 là diễn tập thực binh tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Tổ chức thông báo tình hình xả lũ hồ Hòa Bình (xuồng cao tốc chạy dọc 2 bên sông phát loa thông báo), tổ chức cứu hộ cứu nạn, sơ tán lồng bè và người dân tại tổ 14, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình; Tổ chức tuần tra canh gác các trọng điểm đê điều, thông báo dọc hai bên sông, xử lý sự cố thấm lậu, mạch đùn mạch sủi tại kè Xuân Canh, cống Long Tửu, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội
Tình huống giả định là: Hồi 19h, khu vực Tây Bắc có mưa 200mm, lưu lượng về hồ Hòa Bình đạt 12.000m3/s, mực nước hồ đang ở mức 116,5m (dưới mức cho phép 0,5m). Trong khi đó, hồ Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy, mực nước sông Hồng tại trạm đo Long Biên (TP Hà Nội) đạt 10m, vượt báo động I là 0,5m.
Dự báo trong 48 giờ tới, toàn bộ khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn, với tổng lượng mưa 200-300mm, lưu lượng về hồ đạt 16.000m3/s và mực nước hồ sẽ vượt cao trình cho phép (117m). Ngoài ra, trong 3-5 ngày tới, áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, sau đó đi vào vịnh Bắc Bộ và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, trong đó có vùng Tây Bắc.
Nếu hồ Hòa Bình mở thêm 1 cửa xả đáy thì 1-2 ngày tới, mực nước sông Hồng tại trạm đo Long Biên (TP Hà Nội) sẽ tăng lên mức trên báo động II khoảng 0,5m (tương ứng 11m)… Lo ngại hơn, các hồ Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia cắt lũ cho hồ Hòa Bình cũng đã chứa đầy nước…
Sau khi nghe 7 đơn vị tư vấn phương án xả lũ hồ và các bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường quyết định mở khẩn cấp 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 21h30 cùng ngày và mở tiếp 1 cửa xả đáy vào 9h ngày hôm sau.
Đồng thời, Bộ trưởng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan huy động tối đa lực lượng, phương tiện để thông báo, di dời khẩn cấp dân cư vùng thấp trũng, ven đê đến nơi an toàn; triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm xung yếu như: Cống Liên Mạc, cống Tắc Giang, cống Long Tửu, kè Xuân Canh; sẵn sàng phương án chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy…
Trong phần thực binh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã huy động các lực lượng tuần tra, canh gác các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu: Kè Xuân Canh, cống Long Tửu và xử lý sự cố thẩm lậu, mạch đùn, mạch sủi trên đê tả Đuống, thuộc địa bàn xã Xuân Canh, huyện Đông Anh.