Cấp bách di dời nhà ở ven kênh rạch
TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉnh trang đô thị, thực hiện di dời, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sống trên và ven kênh, tiến hành nâng cấp đô thị, cải tạo các khu dân cư hiện hữu.
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, TP đã di dời khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch với các dự án điển hình: Dự án Vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - kênh Đôi - kênh Tẻ; Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm…, đã góp phần rất lớn vào việc cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng ngập nước, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP chúng ta còn khoảng 20.000 căn nhà ở của người dân sống trên và ven kênh rạch. Trong số này tập trung nhiều nhất là ở quận 8, khoảng 50% với hơn 10.000 căn.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, phấn đấu từ nay đến năm 2020 phải di dời toàn bộ nhà ở ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống ở trên và ven kênh, rạch.
Về kế hoạch thực hiện, trước hết là tiếp tục thực hiện di dời nhà trên và ven kênh rạch trong các dự án đang thực hiện dở dang, còn khoảng 250 căn trong các dự án này.
Thứ hai là tập trung cho dự án di dời giải phóng mặt bằng và tái định cư toàn bộ tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc địa bàn các quận 4, 7, 8. Đây là dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 3, với quy mô di dời khoảng 6.200 căn, trong đó quận 8 có đến hơn 5.000 căn.
Thứ ba, các dự án tại các tuyến kênh rạch ô nhiễm còn lại đã được đưa vào kế hoạch, nghị quyết của từng Đảng bộ quận, huyện, giai đoạn 2015 - 2020 là 13.232 căn.
Thực tế cho thấy, khó khăn thách thức của các dự án chỉnh trang đô thị trước hết vẫn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính và nguồn vốn đầu tư.
Nhà trên kênh rạch ở quận Bình Thạnh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Riêng đối với chương trình giải tỏa nhà ở trên và ven kênh, rạch thì khó khăn đặc thù là phần lớn nhà ở ven và trên kênh rạch có chất lượng thấp, mang tính tạm bợ, do vậy giá trị bồi thường, hỗ trợ cho các trường hợp này không cao.
Qua khảo sát và đánh giá sơ bộ của chúng tôi thì có khoảng 50% nhà ở của người dân sống ven kênh, rạch cũng như nhà ở trong phạm vi mở rộng biên giải tỏa thì số tiền bồi thường, giải tỏa tái định cư người dân nhận đủ để họ có thể tự lo nơi ở mới theo nguyện vọng.
Điều đó có nghĩa là có đến khoảng 50% số hộ dân khi giải tỏa di dời, tiền bồi thường không đủ để tái định cư nơi ở mới, do giá trị bồi thường, hỗ trợ thấp.
Để người dân nào cũng có nhà ở
Chủ trương của TP khi thực hiện Chương trình Chỉnh trang đô thị là: người dân phải có nhà ở! Do vậy, đối với các trường hợp này thì phương thức tái định cư là nhà ở xã hội.
Hiện nay, TP đang triển khai thực hiện 39 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, bao gồm dự án đang thi công; dự án đã được công nhận chủ đầu tư và được chấp thuận đầu tư, hiện đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công và dự án đã được công nhận chủ đầu tư, đang hoàn tất các thủ tục để được chấp nhận đầu tư.
Trong 39 dự án này, quy mô số lượng căn hộ khoảng 47.000 căn. Đối với những dự án đang thi công, bằng trách nhiệm của mình, các sở, ngành, quận, huyện sẽ kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nghiệm thu, đưa vào sử dụng, phấn đấu năm 2017 là xong.
Đối với nhóm dự án đã công nhận chủ đầu tư và đã chấp thuận đầu tư thì hỗ trợ chủ đầu tư sớm đủ điều kiện khởi công, nghĩa là hoàn tất các thủ tục cấp giấy phép xây dựng để khởi công. Nhóm dự án này, chúng tôi phấn đấu trong năm 2017 khởi công.
Nhóm thứ ba là những dự án đã công nhận chủ đầu tư, thì hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ để chấp thuận đầu tư, hoàn tất các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng.
Những dự án thuộc nhóm này dự kiến sẽ lần lượt được cấp giấy phép xây dựng để khởi công vào cuối năm 2017 và trước 6 tháng đầu năm 2018.
Như vậy, với lộ trình tính toán này thì đến năm 2020 có khoảng 30.000 căn nhà ở xã hội trong tổng số 47.000 căn được hoàn thành và đưa vào sử dụng là khả thi.
Trong số 50% hộ dân không đủ khả năng tái định cư nói trên, có thể phân loại như sau: Nhóm 1 là các trường hợp đủ tiền mua nhà ở xã hội trả 1 lần.
Nhóm 2 không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội trả 1 lần sẽ mua trả góp, gọi là thuê mua - nghĩa là trả trước 20%, phần còn thiếu trả dần và có chương trình hỗ trợ lãi vay.
Nhóm thứ 3 là những trường hợp không đủ mua nhà ở thương mại mà cũng không đủ mua nhà ở xã hội do số tiền có rất ít thì làm sao? Hình thức tái định cư phù hợp là thuê nhà ở xã hội.
Vấn đề là nguồn nhà ở xã hội này ở đâu?
Theo quy định pháp luật, trong một dự án nhà ở xã hội, có 60% nhà ở xã hội để bán, 20% để kinh doanh - chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư, 20% còn lại bắt buộc dành để cho thuê.
Đây là nguồn quỹ nhà rất quan trọng, cần thiết và phù hợp để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình sống trên, ven kênh rạch.
Vấn đề đặt ra là không chỉ giải quyết bài toán căn hộ tái định cư mà thực chất tái định cư là tổ chức lại cuộc sống cho người dân tái định cư.
Tái định cư không chỉ là nơi để cư trú, để ở mà đó còn là không gian sống, chất lượng cuộc sống, thể hiện ở chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, liên quan việc học, việc làm, đi lại và cuộc sống của người dân tái định cư.
Kiến nghị được chỉ định nhà đầu tư Để đảm bảo tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn TPHCM theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép TP được xem xét, chỉ định các nhà đầu tư đủ năng lực để làm chủ đầu tư các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị - di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP, xem đây là trường hợp dự án có các điều kiện đặc thù, riêng biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu. UBND các quận, huyện lập kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư thuộc chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” trên mỗi địa bàn quận, huyện. Bài vở cho chuyên trang “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” xin gửi về email: thanhphosongtot@sggp.org.vn hoặc địa chỉ 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM (xin ghi rõ: Bài tham gia chương trình “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”). Chúng tôi sẽ chọn lọc, biên tập và lần lượt đăng tải các bài viết có chất lượng trên chuyên trang ra thứ năm hàng tuần. |