Phục hồi thú chơi truyền thống
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, tò he là món đồ chơi có nguồn gốc từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột, dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá, nải chuối, quả cau... nên nhiều người ta gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò” hoặc là “con bánh”. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, khi thổi phát ra âm thanh "tò te” nên nói trại thành "tò he".
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, trước những năm 1960, mỗi dịp rằm tháng Tám là các con giống tò he lại được bày bán khắp nơi ở Hà Nội và các phiên chợ quê ở miền Bắc Việt Nam. Đồ nghề của người làm tò he khá đơn giản: một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày. Những con giống bằng bột này không chỉ hấp dẫn trẻ con, mà còn thu hút cả người lớn...
Để nghề truyền thống không bị mai một, nhiều năm qua những nghệ nhân và người tâm huyết của Xuân La vẫn miệt mài lưu giữ và bảo tồn những giá trị tinh thần của tò he. Một trong số đó là nghệ nhân Đặng Văn Hậu, người đã dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm mới, đồng thời tiến hành phục hồi những con giống cổ, mang đến những giá trị truyền thống của nhiều địa phương.
Những con giống bột anh phục hồi thời gian qua chủ yếu đến từ 3 dòng con giống chợ Đồng Xuân, phố Khách và Xuân La. Trong đó, hai loại là con giống bột chợ Đồng Xuân và phố Khách gần như đã thất truyền, chỉ còn lại Xuân La vẫn được các nghệ nhân duy trì và phát triển.
Về tạo hình, con giống chợ Đồng Xuân gồm những con vật nuôi gần gũi với con người như trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn (gọi chung là bộ lục súc). Bên cạnh đó, cũng còn có một số con vật, đồ vật thân quen với đời sống thường ngày như con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả...
Con giống của phố Khách (các phố của người Tàu quanh khu phố cổ Hà Nội ngày xưa) thường cầu kỳ, tinh xảo hơn, chủ yếu là các con vật trong thần thoại như: nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ...
Với con giống của Xuân La (thường được gọi là bánh chim cò), kiểu dáng không bị bó buộc mà thay đổi tuỳ theo bàn tay sáng tạo của từng thợ, được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu từ thiên nhiên, sau khi chơi xong có thể hấp lên ăn được..
Ngày nay, nguyên liệu làm tò he của Xuân La cũng được các nghệ nhân cải tiến để an toàn hơn cho người sử dụng cũng như giúp sản phẩm có thể giữ được lâu hơn mà không bị mốc, bị hỏng. Mẫu mã của tò he cũng đa dạng hơn nhằm đáp ứng thị hiếu của công chúng hiện đại. Qua đó, thu hút được nhiều đoàn khách tham quan, du lịch làng nghề. Các nghệ nhân cũng tích cực tham gia, liên kết giảng dạy nghệ thuật nặn tò he tại trường học, giúp học sinh và sinh viên hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống. Sản phẩm tò he cũng thường xuyên xuất hiện, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, lễ hội trong và ngoài nước.
“Nặn tò he là một nghề quý, nó đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và cả hiện tại. Nhưng hơn thế, điều làm chúng tôi tự hào chính là đang góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa của người Việt Nam nói chung và của làng nghề Xuân La nói riêng”, nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ.
Mang văn hoá dân gian đến với giới trẻ
Mới đây, tại Hội thảo với chủ đề “Nặn tò he, khoe bản sắc” do một nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tổ chức, nhiều bạn trẻ và các em thiếu nhi đã có cơ hội trải nghiệm thực tế loại hình đồ chơi dân gian này.
Dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân Đặng Văn Hậu, từng động tác vê bột, véo bột, tạo vân... cộng với sự sáng tạo của mỗi cá nhân, nhiều sản phẩm bắt mắt đã được hình thành, mang lại niềm vui và tiếng cười rộn rã cho những người tham gia. Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm, vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của tò he trong xã hội hiện đại cũng được các bạn trẻ quan tâm.
Chia sẻ tại Hội thảo, Nguyễn Lan Hương, sinh viên trường Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đây thực sự là một chương trình rất hay và ý nghĩa. Các sản phẩm tò he giờ đây không thua kém các đồ chơi nước ngoài về độ tỉ mỉ và sinh động. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là đổi mới nhưng làm sao vẫn phải giữ được nét truyền thống riêng vốn có của tò he.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Mai - Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nhận định, bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là giữ khư khư cái gì đã có. Bởi hiện nay sự cạnh tranh trên thị trường là rất nhiều, nhất là đồ chơi hiện đại. “Việc những người nghệ nhân đang cố gắng để giữ những nét đẹp nghệ thuật dân gian Việt Nam khỏi bị mai một trong cuộc sống hiện đại và quảng bá đến nhiều nước trên thế giới là rất cần thiết và đáng trân trọng”, TS. Nguyễn Thanh Mai chia sẻ.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: