Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tọa đàm “Đọc thế nào? & Xây dựng tủ sách gia đình”

Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam vừa diễn ra buổi tọa đàm “Đọc thế nào? & Xây dựng tủ sách gia đình”. Tham gia buổi tọa đàm có sự góp mặt của: ông Nguyễn Quốc Vương, tác giả cuốn sách “Xây dựng Tủ sách gia đình”; ông Hoàng Anh Đức, tác giả cuốn sách “Readology: Đọc thế nào?” và bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc – Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam.

Không gian buổi toạ đàm.

Không gian buổi toạ đàm.

Đọc hay bắt nguồn từ hay đọc

Đọc sách góp phần mở mang trí tuệ và cảm xúc. Đó là lợi ích rất rõ ràng. Nhưng làm sao để đọc sách trở thành thói quen phổ biến trong đời sống thì lại là đề tài năm nào cũng được chúng ta cùng nhau luận bàn.

Trong nội dung buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ góc nhìn về việc đọc từ chính trải nghiệm thực tế của bản thân. Văn hóa đọc là nét đẹp, nhưng nét đẹp đó không thể tự nhiên sinh ra, mà cần có sự quan tâm, đầu tư về thời gian và các nguồn lực tương xứng. Mặc dù vậy, chúng ta không nên coi hạn chế về thời gian, nguồn lực là trở ngại trên chặng đường đến với sách.

Nếu nhìn vào thị trường, bạn đọc có thể nhận thấy sách vở chưa phải là hàng hóa có tính chất xả xỉ, song lại bị không ít người tiêu dùng coi là “xa xỉ”. Những ví dụ quen thuộc về tủ giày, tủ rượu hoành tráng thay cho tủ sách hay việc không ít người chi nhiều tiền cho các nhu cầu ăn, uống, giải trí hơn là đầu tư vào sách, đã phần nào chứng minh điều này. Có thể không phải ai trong chúng ta cũng thích đọc sách, nhưng nếu hoàn toàn không đọc cuốn sách nào, trừ sách giáo khoa và giáo trình bị yêu cầu “phải” đọc (mà chưa chắc đọc có đầu, có đuôi) thì quá trình tu dưỡng, phát triển bản thân thực sự vẫn còn thiếu sót.

Cần xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.

Cần xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ câu chuyện nhiều bậc phụ huynh khẳng định bản thân không có thời gian đọc sách và đọc sách cùng con, bởi họ bận kiếm sống. Nhưng anh phân tích rằng, thời gian mà cha mẹ dành cho sách, cho con mang lại giá trị rất lớn. Đôi lúc, giá trị ấy còn đáng quý hơn rất nhiều trong tương lai so với các khoản cha mẹ cố gắng thu nhập thêm ở hiện tại.

Tác giả Hoàng Anh Đức cũng cho rằng, nếu được giúp đỡ, định hướng thì các bạn trẻ sẽ không ngại đọc sách. Bởi độ tuổi thanh thiếu niên thường đặt ra nhiều câu hỏi, sở hữu một thế giới nội tâm phong phú và khao khát khám phá cuộc sống.

Từ việc đọc sách, trẻ em sẽ nảy ra thêm những câu hỏi bổ ích. Từ mong muốn kiếm tìm lời giải, các em sẽ có thái độ tích cực hơn với việc đọc. Đây là nền móng để trẻ từng bước hình thành năng lực tư duy độc lập, tự học. Những cuốn sách chính là người thầy, người bạn tâm giao đáng tin cậy mà tất cả chúng ta có thể tìm đến để mở ra phương hướng giải quyết các khúc mắc của bản thân.

Khác với hình dung thông thường, sách vở không hề lý thuyết và xa rời thực tế. Sách vở mang đến cái nhìn bao quát hơn và vốn kinh nghiệm quý báu của thế hệ đi trước (đáng chú ý hơn nữa, đó là chiêm nghiệm của thế hệ đi trước về các quy luật vận động trong thực tế mà thế hệ đi sau có thể học hỏi).

Điều hay lẽ phải, lịch sử vạn vật, tri thức ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội… đều được hệ thống hóa, cô đúc lại trong từng trang sách. Do đó, nếu không dành thời gian đọc sách, chúng ta sẽ bỏ lỡ một kho tàng thừa kế quý giá.

Những lý giải về phương pháp và con đường hình thành thói quen đọc được các tác giả/diễn trình bày chi tiết trong hai tác phẩm “Readology: Đọc thế nào?” và “Xây dựng Tủ sách gia đình” đã ra mắt bạn đọc trong thời gian vừa qua.

Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách.

Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách.

Ý nghĩa của Ngày Sách Việt Nam

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục rèn luyện nhân cách con người.

Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam còn có ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là thời điểm ra mắt cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích nhân loại nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách.