Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tọa đàm: Một số tác giả được đọc nhiều nhất tại Pháp đầu thế kỷ 21 và sự đón nhận của các độc giả trẻ Việt Nam

Hai tác giả thân thuộc

Văn học Pháp hẳn là một trong số những nền văn học gắn bó thân thiết với một bộ phận đông đảo độc giả Việt Nam, những người quan tâm đặc biệt không chỉ đến văn học cổ điển mà cả văn học đương đại cùng những tác giả gần đây nhất của đất nước này.


Bạn đọc yêu văn học lãng mạn hẳn không thể không biết đến cái tên Marc Levy. Với bút pháp lãng mạn hòa lẫn yếu tố siêu thực, Marc Levy đã cho ra đời nhiều tác phẩm chiếm được tình cảm to lớn của độc giả.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay, Nếu em không phải một giấc mơ, không chỉ được đánh giá là tác phẩm hay nhất của Marc Levy, mà còn được bình chọn là tác phẩm lãng mạn hay nhất, một hiện tượng xuất bản vào thời điểm nó ra đời. Tiểu thuyết đã được đạo diễn lừng danh Steven Spielberg chuyển thể thành phim "Just like Heaven" năm 2005.

Kể từ đó, các tác phẩm của Marc Levy đã được dịch ra 49 thứ tiếng và đã bán được hơn 40 triệu bản toàn cầu, giúp ông trở thành một trong những nhà văn Pháp được đón đọc nhiều nhất trên thế giới. Hầu hết các cuốn tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim.

Tiếp theo là Guillaume Musso. Văn chương của nhà văn Pháp Guillaume Musso được ví như sự kết hợp hoàn hảo giữa Marc Levy và Stephen King, đậm màu sắc liêu trai, hấp dẫn, bất ngờ và lãng mạn mê đắm, tiệm cận chiều sâu tâm hồn mỗi con người.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông là: Rồi sau đó, Cứu lấy em, Hẹn em ngày đó, Bởi vì yêu... Tiểu thuyết của ông đã bán được hơn 32 triệu bản trên khắp thế giới và được dịch sang 40 thứ tiếng.

Guillaume Musso được xem là hiện tượng best-seller của văn chương Pháp hiện tại, và với hơn một triệu năm trăm ngàn bản in được bán tại quê nhà trong năm 2020, ông tiếp tục giữ vững vị trí tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất ở Pháp trong mười năm liên tiếp.

Nội dung buổi tọa đàm

Nước Pháp đầu thế kỷ 21 vẫn mang đến cho thế giới vô số tác giả tài năng, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học Pháp và thế giới.


Trong số đó, có nhiều tác giả đã sớm được xuất bản tại Việt Nam và cứ mỗi lần họ ra sách lại là một sự kiện, một sự trông đợi: Frédéric Beigbeder với hàng trăm nghìn bản in không chỉ ở Pháp mà cả ở Đức và Anh; Marc Levy với khoảng 30 triệu bản in đã bán hết; Guillaume Musso - tác giả được chuyển ngữ qua khoảng 38 thứ tiếng trên toàn thế giới; Michel Bussi riêng trong năm 2018 đã bán hết gần một triệu bản in; chưa kể những cái tên đình đám khác như Pierre Lemaitre tác giả của Hẹn gặp lại trên kia, Alex, Hy sinh; Franck Thilliez với Hội chứng E...

Khách mời của buổi tọa đàm là Tiến sĩ Văn học Phạm Xuân Thạch, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và anh Nam Đỗ, người sáng lập câu lạc bộ Hội thích truyện trinh thám.

Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch chia sẻ đặc trưng trong bề dày văn hóa đã làm nên chất văn chương độc đáo ở văn học Pháp: Bản sắc của dòng văn học kinh điển có sự hòa trộn giữa tính triết học song cũng không kém phần lãng mạn, tao nhã. Đồng thời, anh cũng khích lệ những đơn vị xuất bản chủ động tiếp cận, cho ra mắt không chỉ dòng văn học đại chúng mà còn là những tác phẩm kinh điển của nền văn học Pháp và thế giới trong tương lai. Có thể sẽ là loạt danh tác thực sự kén người đọc, nhưng sẽ kích thích suy nghĩ của người đọc nhiều hơn.

Anh Nam Đỗ cũng chia sẻ quá trình biến đổi trong những tác giả Pháp đương đại để thích ứng với nhu cầu của độc giả- điều góp phần làm dòng văn học này trở nên mới mẻ, gần gũi hơn với đại chúng. Song, những điều chỉnh ấy cũng không khỏi khiến các bạn đọc Việt Nam yêu văn học Pháp cảm thấy băn khoăn nếu yếu tố tinh hoa với văn phong chỉn chu vốn làm nên thương hiệu cho văn chương Pháp bị giảm thiểu.

Trong hoạt động giao lưu cùng khán giả, hai vị khách mời đã chia sẻ quan điểm đối với những vấn đề liên quan đến việc đọc của giới trẻ ngày nay.
Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch bày tỏ niềm tin tích cực rằng vẫn có các bạn trẻ chịu khó đọc sách, tìm tòi sách hay và cha mẹ là tấm gương quan trọng nhất trong quá trình định hình thói quen đọc của trẻ. Đồng thời, anh Nam Đỗ cũng khẳng định việc trẻ thích đọc gì, hay đọc như thế nào thuộc về sở thích cá nhân và không nên ép buộc thế hệ sau phải có sở thích đọc giống hoàn toàn so với thế hệ trước.
Điều người lớn có thể làm và nên làm là trao truyền thói quen đọc và tình yêu sách đến các bạn trẻ.
 

Nguyễn Phú Hoàng Nam/GĐ&TE