Nếu quan tâm đến chủ đề tự học, độc giả sẽ biết đến hai tác phẩm “Tôi tự học” của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần và “Tự học – Một nhu cầu của thời đại” của tác giả Nguyễn Hiến Lê. “Tự học” là khái niệm không quá xa lạ trên lý thuyết nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách với người học. Phần vì thiếu phương pháp, phần vì thiếu động lực, phần vì người học chưa có thói quen chủ động trong việc học nhưng lại học tập trong môi trường dễ sản sinh ra thói quen học một cách thụ động. Thực trạng này sẽ dẫn đến “học nhiều quên nhiều, học ít quên ít”; “học để thi, thi xong để đó”; “học một lần dùng cả đời” gây trở ngại cho sự phát triển hoàn thiện, tích cực của cá nhân và xã hội.
Cuốn sách “Tự học - Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời” của nhóm tác giả Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh chính là cẩm nang kế thừa, bổ sung, gợi mở con đường tự học bằng những chỉ dẫn cụ thể, với văn phong trẻ trung, gần gũi với cuộc sống hiện nay.
Mở đầu buổi tọa đàm, diễn giả Hoàng Anh Đức chia sẻ việc học là quá trình kết nối, mở mang không giới hạn giữa con người với môi trường xung quanh và giữa các thế hệ với nhau. Quá trình này cần diễn ra một cách liên tục, chủ động.
Anh chia sẻ: Học tập suốt đời quả là một hành trình dài hạn và còn nhiều điều cần khám phá. Tự học suốt đời, chắc chắn không phải là một hành trình đơn giản. Bước đi trên hành trình này, chúng ta sẽ cần nhiều sự chú tâm, chia sẻ, và động viên từ chính chúng ta - những người mong muốn sự học tập suốt đời.
Từ trải nghiệm cá nhân, diễn giả Nguyễn Thị Hải Diệu cho biết nền giáo dục Phần Lan rất cởi mở trong tiếp thu và vận dụng thành tựu của các nền giáo dục trên thế giới. Tự học là 1 trong số 7 năng lực cốt lõi ở Phần Lan. Tự học được coi là quyền lợi, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người. Giáo viên, cha mẹ sẽ không phải là nguồn tri thức duy nhất của học sinh. Nếu một cá nhân muốn phát triển, trưởng thành hơn thì tự học là con đường duy nhất. Quan điểm của giáo dục Phần Lan là: việc học không diễn ra theo cách mọi người có thể quan sát được, mà diễn ra bên trong mỗi người. Dù có được giảng dạy, cung cấp kiến thức như thế nào chăng nữa, thì lựa chọn tiếp thu hay không vẫn tùy thuộc vào người học. Nên tự học và học như thế nào phần nhiều sẽ do mỗi cá nhân định đoạt.
Theo diễn giả Ngô Huy Tâm thì lịch sử đã cho thấy bản chất của việc học là tự kiến tạo cho bản thân kiến thức và cơ hội. Tự học là sự chủ động nắm quyền được học để chuyển hóa thành giá trị tự thân. Bước đầu tiên của quá trình này là trang bị tâm thế học tập mọi lúc, mọi nơi, từ bất cứ ai.
Buổi tọa đàm kết thúc với phần thảo luận, đặt câu hỏi từ các khán giả tham dự và hoạt động ký cam kết vào bản Tuyên ngôn Học tập (Độc giả quan tâm có thể tham khảo nội dung và ký trực tuyến tại địa chỉ https://cunghoc.edu.vn/tuyen-ngon-hoc-tap/).
Thông tin diễn giả
Thầy Hoàng Anh Đức là một trong 3 tác giả của cuốn sách “Tự học – Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời”. Thầy là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia. Sáng lập các dự án day-hoc.org, cunghoc.edu.vn và Teacher for Asia. Thành viên Hiệp hội các nhà Giáo dục Quốc tế NASFA, đồng thời là Thủ khoa chương trình Thạc sĩ Khoa học Quản lý, Trường Quản lý Maastricht, Hà Lan và hoàn tất chương trình Quản trị và Lãnh đạo nhà trường, Trường giáo dục Harvard. Hiện tại, thầy đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về quản trị tri thức và lãnh đạo giáo dục tại đại học RMIT.
Cô Nguyễn Thị Hải Diệu tốt nghiệp Thạc sĩ Ngành Khoa học Giáo dục tại ĐH Jyväskylä (Phần Lan) và Cử nhân Kinh doanh Quốc tế (ĐH Ngoại thương, Hà Nội). Hiện tại cô là Trưởng Đại diện của Wise Consulting Finland Oy tại Việt Nam với sứ mệnh thúc đẩy việc ứng dụng các “Bài học Giáo dục Phần Lan” trong đổi mới và phát triển giáo dục phổ thông.
Thầy Ngô Huy Tâm tốt nghiệp Học viện Ngoại giao năm 2008 tại Việt Nam. Năm 2009, thầy tiếp tục theo học tại Đại học Houston Baptist chuyên ngành thiết kế chương trình giáo dục. Từ năm 2018 đến nay, thầy Ngô Huy Tâm dịch sách về giáo dục, quản lý và cộng tác với nhiều đơn vị truyền thông uy tín. Ngoài ra, thầy còn là thành viên Hội đồng Cố vấn chuyên môn Edlab Asia, đồng tác giả “Đề án khung năng lực tiếp cận lực kỹ thuật số” với vai trò chuyên gia độc lập làm việc cùng Bộ Giáo Dục và UNICEF. Từ cuối 2018 tới nay, thầy Ngô Huy Tâm đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School.