Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tỏa sáng phẩm chất "anh bộ đội Cụ Hồ"

Là một trong 700 gương mặt người có công tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2017, doanh nhân – cựu chiến binh vùng đất xứ Thanh, Trịnh Xuân Lâm – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tiên Sơn đã có những tháng ngày gian khó chèo lái con thuyền công ty đến bến bờ thành công.

 

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Tiên Sơn Trịnh Xuân Lâm.

Vượt khó đi lên

Trong những năm chống Mỹ ác liệt, Trịnh Xuân Lâm trực tiếp tham gia  chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1980, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông trở về quê hương, với tỷ lệ thương tật 38%. Mặc dù mang trên mình những vết thương của chiến tranh, nhưng Trịnh Xuân Lâm không chịu khuất phục bởi cái đói, cái nghèo, ông luôn trăn trở xem làm thế nào để thoát khỏi cái khó, cái nghèo, vì thế, ông hăng hái tham gia sản xuất để phát triển kinh tế. Tuy nhiên trong hoàn cảnh chung của đất nước, cuộc sống của gia đình ông vẫn còn bộn bề khó khăn.

Năm 1990, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm quyết định đưa gia đình dời huyện Nga Sơn lên thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) trong điều kiện kinh tế rất khó khăn. Đến nơi ở mới, ông Lâm phải bươn chải bằng đủ thứ nghề để mưu sinh, chủ yếu là thu mua xi măng vụn của nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, sắt thép phế liệu. Ròng rã bốn năm rong ruổi khắp các tỉnh thành phía Bắc, Trịnh Xuân Lâm học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về con đường kinh doanh, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân.

Năm 1995, từ những đồng vốn ít ỏi, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn, đây là Công ty TNHH đầu tiên ở TX Bỉm Sơn được thành lập và là tiền thân của Tổng công ty Tiên Sơn hiện nay. Lúc mới thành lập, Công ty mới chỉ có 10 lao động, với nhiệm vụ thu mua sắt thép phế liệu, phế thải và mua xi măng thu vét về sản xuất gạch Block.

Với quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, ông tiếp tục mở thêm xưởng xén kẻ giấy, đóng sách vở học sinh, kinh doanh vận tải ô tô, từ đó đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động, chủ yếu là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh trên địa bàn. Công ty phát triển nhanh và có nhiều thuận lợi, doanh thu năm đầu tiên thành lập đạt 70 triệu đồng, nộp ngân sách 1,5 triệu đồng.

Dấu ấn đáng ghi nhớ, tạo bước đột phá mạnh mẽ của Công ty Tiên Sơn là thời điểm khi công ty trúng thầu trên 1 nghìn tấn phế thải của công trình nhà máy xi măng Nghi Sơn. Trong thương vụ này, Tiên Sơn thu lãi 10 tỷ đồng. Trịnh Xuân Lâm đã mạnh dạn dốc toàn bộ số tiền này để đầu tư, mua sắm xe ô tô tải và ký hợp đồng vận tải, xếp dỡ hàng hoá cho các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Tam Điệp, Hoàng Mai, nhà máy đường Lam Sơn…

 

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa  đã trao quỹ khuyến học Trịnh Lâm trị giá 1 tỷ đồng cho Hội Khuyến học xã Hà Vinh, Hà Trung, Thanh Hóa.


Nắm bắt cơ hội để phát triển

Bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, và ý chí, quyết tâm “không cam chịu đói nghèo” luôn hừng hực cháy trong con người ông, chính vì thế, năm 2002, tận dụng nguồn phế thải trong nông nghiệp, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ mỹ nghệ xuất khẩu và đã thu hút được gần 500 lao động, sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới. Nhờ những chuyến đi tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra nước ngoài công cán, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm có cơ hội mở rộng tầm nhìn và học tập tư duy kinh doanh của các công ty, tập đoàn lớn ở các nước phát triển, ông chuyển hướng sang sản xuất kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu.

Với suy nghĩ mạnh dạn, sáng tạo, hiểu được thời thế của thị trường kinh doanh, năm 2006, ông chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực may xuất khẩu, đây có thể coi là bước ngoặt lớn của ông cho sự phát triển của Tổng công ty khi mà hiện nay, ngành may xuất khẩu đã trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn của đất nước.

Từ khát vọng tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, cựu chiến binh, thương binh Trịnh Xuân Lâm đã từng bước phát triển xưởng may nhỏ bé ban đầu thành Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa hiện nay. Với nguồn vốn 2.000 tỷ đồng, ông đã đầu tư xây dựng 9 nhà máy may tại các huyện trong tỉnh, tạo công ăn việc làm cho 15.000 lao động, trong đó có nhiều con, cháu cựu chiến binh  và gia đình chính sách.

Ngoài việc thực hiện tốt chế độ, quyền lợi cho người lao động, đến nay, tổng công ty đã chi hơn 10 tỷ đồng để làm công tác từ thiện xã hội, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho các đối tượng…

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tiên Sơn, Thanh Hóa đã có những tháng ngày gian truân với đầy rẫy những khó khăn, vất vả. Để rồi từ đó đến nay, ông không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào đưa doanh nghiệp tiến lên những tầm cao mới, chỉ với mong muốn giản dị là đem lại nhiều việc làm cho người lao động, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Với cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm, chưa bao giờ ông hài lòng với công việc kinh doanh của mình. Vì khi những ngành nghề này chưa giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho xã hội và đặc biệt là cuộc sống của hàng trăm gia đình cựu chiến binh, những đồng đội một thời cùng ông vào sinh ra tử ở chiến trường, chưa thoát được nghèo đói. “Tôi luôn mong muốn tìm ra những ngành nghề mới để giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động hơn nữa. Bởi các cháu chính là con, là cháu của những người đồng đội tôi”- Tổng Giám đốc Trịnh Xuân Lâm chia sẻ.