Giá trị kinh tế nông nghiệp sụt giảm do El Nino
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016 -2027, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017. Khu vực chế tác định hướng xuất khẩu hoạt động mạnh, dòng vốn FDI và cầu trong nước tốt phần nào sẽ bị kìm lại bởi tác động của tình trạng tăng trưởng chậm của Trung Quốc. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI cam kết mới hầu như không thay đổi trong năm 2015 và đạt 22,8 tỉ USD, cho thấy rằng số FDI giải ngân trong năm nay sẽ không tăng, và thậm chí giảm đi trong năm 2017.
Triển vọng tăng trưởng đầu tư tư nhân được cải thiện nhờ tiến trình đàm phán và gia nhập các hiệp định thương mại và đầu tư trong vòng 18 tháng qua. Đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu và Hàn Quốc, và những cam kết tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ được hưởng lợi ích từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với các thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á cộng lại tạo thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và Liên minh Châu Âu. Các hiệp định thương mại này sẽ được thực thi trong vòng vài năm nữa, và được kỳ vọng sẽ kích thích đầu tư trong tương lai gần khi các doanh nghiệp chuẩn bị đón nhận các cơ hội kinh doanh mới.
Sản xuất công nghiệp và xây dựng dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng vững vàng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cho thấy các điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất cải thiện trong hai tháng đầu năm 2016, với số lượng đơn hàng gia tăng. Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ tăng mạnh, mặc dù triển vọng này có bị giảm đi do sụt giảm lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Nông nghiệp trong thời gian tới cũng tạm thời sụt giảm do giá cả lương thực thế giới thấp và ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Lạm phát tăng lên trung bình 1,3% trong ba tháng đầu năm 2016 và dự báo đạt trung bình 3,0% trong năm nay và 4,0% trong năm 2017. Ngân hàng trung ương đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 là 18%-20% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng lên trong giai đoạn dự báo khi lạm phát tăng dần và cầu tín dụng cũng tăng trong khi thanh khoản của ngân hàng eo hẹp hơn.
Chính sách tài khóa sẽ dần dần thắt chặt, song vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống 4,9% GDP trong năm 2016 và 4,0% trong năm 2017. Tiếp tục bước chuyển đã khởi động trong năm 2015, ngân sách 2016 sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự kiến sẽ tăng 25,5%. Chi tiêu vãng lai dự kiến tăng ít hơn ở mức 6,5%. Xuất khẩu hàng hóa trong năm nay tăng 10% tính trên giá trị bằng đô-la và tăng 14% trong năm 2017 khi các nhà máy đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Cán cân vãng lai dự báo sẽ chuyển sang thâm hụt trong năm 2016 và phục hồi trạng thái cân bằng trong năm 2017.
Hạn hán, xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
Mặc dù triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực, báo cáo ADB 2016 cũng chỉ ra một số thách thức trong những năm tới. Sự bất ổn trên toàn cầu và tăng trưởng chậm chạp ở một số quốc gia đối tác thương mại lớn có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam. “Trong nước, chúng tôi cũng quan sát thấy có một nhu cầu ngày càng tăng là phải xây dựng lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho nền kinh tế có sức chống chịu mạnh mẽ hơn trước bất kỳ cú sốc kinh tế nào trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường tính bền vững tài khóa và củng cố cơ sở dự trữ ngoại hối” – Giám đốc Quốc gia ADB ông Eric Sidgwick nhấn mạnh .
Còn Chuyên gia Kinh tế Quốc gia Aaron Batten thì cho rằng, về dài hạn, cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trọng tâm của nhiệm vụ này là đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách sâu rộng hơn – không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa – nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm việc xử lý khối nợ xấu còn tồn đọng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nợ xấu mới, vì nợ xấu sẽ tiếp tục cản trở sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện.
Báo cáo nhận xét rằng động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Song mặc dù nền kinh tế tăng trưởng khá tốt, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cả trong trước mắt và dài hạn.
Mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, song cũng sẽ phải chấp nhận một chi phí điều chỉnh đáng kể. Khi nền kinh tế mở cửa để đón nhận cạnh tranh nhiều hơn, và các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo hơn, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực kinh doanh ngày càng gia tăng. “Để đảm bảo nền kinh tế có thể tối đa hóa được lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn, để sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng,” ông Sidgwick nói thêm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, Giám đốc Quốc gia ADB cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vì vậy trước mắt tình trạng mất mùa trong nông nghiệp vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.