Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I Tôn Quang Phiệt (thứ 4 từ trái sang).
Gia đình tôi và gia đình anh Khai thân nhau gần chục năm nay. Số là vợ tôi quen thân với chị Trần Thị Thanh Minh, vợ anh Khai, vì cả hai cũng người Tân Kỳ. Khi chị Minh làm ở Huyện đoàn thì bố vợ tôi làm Phó Bí thư Huyện ủy, nên hai chị em quen nhau. Anh Khai và chị Minh định cư ở Ba Lan. Năm 2010, tôi kêu gọi “Góp cát đá xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán”. Ở Ba Lan anh đọc tin và gửi về góp 300 USD.
Cụ Phiệt có 3 vợ nối nhau, 12 người con, anh Khai là con thứ 7. Tôi hỏi anh: “Sao ông cụ là Tôn Quang, anh lại là Tôn Gia?”. Anh Khai cho biết, dòng họ Tôn của anh ở Thanh Chương, Nghệ An (gốc ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) rất coi trọng ý thức dòng tộc. Cụ cố của anh là nhà nho, đỗ 3 khóa tú tài, tên là Tôn Đức Tiến, đã quy định hệ thống tên lót để phân biệt hệ thứ trong họ tộc: Đời cụ là Đức, tiếp theo là Huy, Quang, Gia, Tích, Thiên, Lương. Hết vòng đó lại quay lại từ đầu.
Bìa bộ sách Tôn Quang Phiệt.
Cụ Tôn Quang Phiệt là một trí thức được đào tạo kỹ về Hán học và Tây học. Năm 6 tuổi đã học chữ Hán với cha, 15 tuổi đã vào Trường Đốc học Vinh. Năm 1916, ông thi Hương, sau vào học Trường Quốc học Vinh do người Pháp làm hiệu trưởng, có các thầy người Việt Nam như Nguyễn Bá Luân (con rể vua Thành Thái), Lê Thước (giải Nguyên Hán học) dạy. Bạn đồng môn với ông ở trường toàn người nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Sỹ Sách, Phạm Thiều, Lê Xuân Phương, Phan Trọng Bình, Ngô Đức Trì, Nguyễn Xiển...Năm 1924, ông nhận bằng Thành chung Pháp rồi chuyển ra Hà Nội học trường danh giá nhất Đông Dương thời đó là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Ông 3 lần bị Pháp bắt và đi tù, nhưng vẫn sắt son với đất nước, dân tộc, với cách mạng. Cách mạng tháng 8, ông làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng và Ủy ban Kháng chiến đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên. Năm 1948, Hồ Chủ tịch chỉ định ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Thanh Hóa. Năm 1946, ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa I và tham gia vào Uỷ ban dự thảo Hiến pháp Việt Nam năm 1946. Ông làm đại biểu Quốc hội khóa I đến IV, đã từng đảm nhận nhiều chức vụ to trong Quốc hội như: Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa III, IV. Ông còn là Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt – Xô... Dù bận rất nhiều công việc của một lãnh đạo, ông vẫn là một trí thức có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử và sáng tác văn học và dịch thuật không thua kém ai. Ông đã dịch Phan Bội Châu niên biểu, thơ phú, câu đối của Phan Bội Châu, Việt Nam nghĩa liệt sử của Đăng Đoàn Bằng, dịch thơ Tô Đông Pha... và nghiên cứu, sáng tác cho đến những ngày cuối đời (1973).
Tượng nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Bộ sách Tôn Quang Phiệt (tập 1: Lịch sử; Tập 2:Văn học gồm 2 cuốn) là tuyển tác phẩm của ông. Trong đó phần lịch sử dày 1200 trang, thơ 100 trang, văn xuôi 580 trang, dịch thuật 550 trang, còn lại những bài viết, bài nói. Tôn Quang Phiệt ở tù cũng làm thơ, viết hồi ký, làm lãnh đạo tỉnh cũng làm thơ, viết lịch sử, sáng tác văn học. Năm 25 tuổi, học cao đẳng sư phạm Hà Nội đã viết báo Nam Phong, bị đuổi học vì tham gia hoạt động chính trị. Năm 1928 xuất bản truyện thơ “Khách không nhà”. Năm 1930, bị tòa án Nam Triều, Nghệ An kết án 7 năm khổ sai và 7 năm quản thúc. Khi bị đày lên Buôn Ma Thuột, ông có thơ rất ung dung, khẩu khí: Xứ Ban Mê Thuột đến đây rồi / Võ võ phương trời mấy dặm khơi/ Dài lưỡi thằng Tây hăm hở dọa / Ngắm răng chú Mọi toét toa cười... ( Đày lên Buôn Ma Thuột).
Tôn Quang Phiệt có thời gian hoạt động lâu dài tại Huế (1935 - 1945). Theo Niên biểu (in trong bộ sách) thì năm 1935, ông từ Vinh vào Huế dạy học (vẫn bị quản thúc vì án khổ sai). Ông thành lập Trường tư thục Thuận Hóa, vừa dạy môn sử, vừa quản lý trường. Trường có nhiều giáo viên giỏi như: Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh... do có uy tín lớn, nên đã thu hút hàng ngàn học trò các tỉnh miền Trung theo học (trường giải tán năm 1945). Sau đó, ông mua lại tờ báo Sông Hương của Phan Khôi để làm tờ Dân. Tôn Quang Phiệt làm chủ bút, Phan Đăng Lưu làm quản lý. Ban biên tập gồm: Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Bùi Công Trừng, Tôn Quang Phiệt, Lâm Mông Quang, Nguyễn Cửu Thịnh. Ở Huế, ông tham gia vào Mặt trận Dân chủ, Hội truyền bá Quốc ngữ Huế do Hồ Đắc Hàm và Nguyễn Khoa Toàn làm hội trưởng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông hoạt động trong Thành bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương (mật danh của Thừa Thiên - Huế).
Tôn Quang Phiệt dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại ở Ngọ Môn vào ngày 30/8/1945. Ngày 31/8/1945, ông gặp vua Bảo Đại để chuyển bức công điện “Chính phủ lâm thời mời ông Vĩnh Thụy ra làm tối cao cố vấn cho Chính phủ và sắp xếp đưa cố vấn ra Hà Nội càng sớm càng tốt”. Cách mạng thành công, Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng và Ủy ban Hành chính đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thời gian ở Huế, ông đã in lại truyện thơ “Khách không nhà”, in các cuốn “Bẻ nạng chống trời”, “Duyên nợ bên hồ”, “Một ngàn thu” (hồi ký ngồi tù ở Buôn Ma Thuột- đầu đề lấy từ câu Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại). Ở Huế, ông có bài thơ “Cầu Trường Tiền” viết năm 1940 rất ý tứ: Dịp (nhịp) cầu Thành Thái bến Sông Hương / Để lại ngàn thu mối đoạn trường/ Dòng nước trôi con truyền thế lợi / Cột cờ nêu thắng dấu tang thương/ Ngậm sầu cô ả đò đưa giọng / Nuôi sống anh xe ngựa chạy đường/Liếc mắt nhìn xem trang xã hội / Cầu dài sông thắm nợ còn vương. Những ngày dạy học và hoạt động cách mạng ở Huế, ông thường xuyên đi lại với cụ Phan Bội Châu, cộng tác với cụ Huỳnh Thúc Kháng trên báo Tiếng dân... Thời kỳ này ông còn là chủ bút báo Ánh sáng, với cộng sự là Lê Quốc Túy, đã cho in nhiều kỳ tác phẩm “Côn Lôn ký sự” của Trần Huy Liệu tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù Côn Đảo.
Với kiến thức quảng bác về văn- sử - triết, khi làm Chủ tịch Hành chính Kháng chiến Thanh Hóa, mặc dù bận nhiều việc, cụ Tôn Quang Phiệt đã liên tiếp cho ra mắt 3 công trình nghiên cứu, biên soạn sử học giá trị. Đó là “Lịch sử cách mạng Việt Nam thời Pháp thuộc” (1862- 1945), dày 95 trang do Liên Việt xuất bản ở Thanh Hóa 1948. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Chương Thâu: “Đây là cuốn sử viết về một giai đoạn lịch sử đau thương của nước nhà thời cận đại,... trình bày rất có hệ thông và dễ hiểu”. Thứ hai là cuốn “Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”. Sách dày 148 trang, cũng do Liên Việt xuất bản năm 1949. Sách nêu lên một cách sơ lược toàn bộ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, cho đến các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, cho đến thời thuộc Pháp. Cuốn thứ ba là “Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam” dày 102 trang (Liên Việt xuất bản, Thanh Hóa, 1950).
Ba cuốn lịch sử ra đời liên tiếp trong 3 năm là “bộ ba trọn vẹn” về nhận thức và truyền bá lịch sử chống ngọai xâm của dân tộc, rất có lợi cho cuộc kháng Pháp đang hồi cao trào. Tại sao khi ở Thanh Hóa, Tôn Quang Phiệt mới dành nhiều thời gian cho lịch sử? Có lẽ đất Thanh là “đất vua”, đất của Bà Trưng, Bà Triệu, của Đinh, Lý, Lê... nên kích thích hứng khởi cảm hứng sử cho ông chăng?. Thực ra cụ Tôn Quang Phiệt đã làm việc ở Thanh Hóa nhiều lần. Mùa hè năm 1946, ông là phát ngôn viên của Phái đoàn Chính phủ gồm: Lê Duẩn, Nguyễn Duy Trinh, Linh mục Phạm Bá Trực đi Thanh Hóa và các tỉnh giải thích về Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Năm 1947, ông được Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu 4 điều ra Thanh Hóa phụ trách tuần báo Liên hiệp quốc dân của Mặt trận Liên Việt Thanh Hóa. Báo này xuất bản được 10 tháng.
Đọc tập I- Lịch sử trong bộ sách ta thấy Tôn Quang Phiệt là một nhà sử học lớn. Ngoài ba tác phẩm đã kể trên, ông còn viết rất nhiều tác phẩm như: Phan Bội châu và Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu - Một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam, Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám và rất nhiều bài viết về lịch sử và nhân vật lịch sử. Riêng về các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu của ông đã dày 522 trang (khổ 14,5x20,5cm), chưa kể dịch hơn 300 trang văn chương chữ Hán của cụ Phan. Cho nên, Chương Thâu (người đã nghiên cứu, sưu tầm xuất bản bộ Phan Bội Châu gồm 10 tập dày 6.000 trang in năm 1990, tái bản năm 2001) đã đánh giá: “Đây là “tập đại thành” của các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu từ trước tới nay...”
Bản lĩnh của người viết sử, nhà báo, bản lĩnh trí thức của Tôn Quang Phiệt được ông thể hiện qua bài viết “Những cây bút trung thực” ( tr 1249, tập I- Lịch sử). Ông kể cho các nhà chép sử Việt về những nhà chép sử bên Tàu dù chết vẫn không quỳ gối, vẫn viết đúng như sự thật đã xảy ra. Chuyện nước Tấn, tướng quốc Triệu Thuẫn là quan đầu triều. Do mâu thuẫn với vua, Triệu Thuẫn nhờ cháu mà giết được vua, về nắm quyền hành nhà Tấn. Người chép sử Đông Hồ viết: “Mùa thu tháng bảy ngày Ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao (tên vua Linh Công) ở vườn đào”. Triệu Thuẫn đề nghị thay đổi lời văn, Đông Hồ trả lời: “Phải nói là phải, trái nói là trái, gọi là tín sử, đầu tôi có thể chém được, nhưng thẻ tre chép sử này không thể thay đổi được!”... Cụ Tôn Quang Phiệt kết luận: “Nhà viết sử cũng như nhà viết văn, cái đạo đức căn bản là phải viết cho trung thực và phục vụ chân lý...”.
Cụ Tôn Quang Phiệt khi học Trường Quốc học Vinh, học với thầy Lê Thước (quê Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh- giải Nguyên Hán học (1918), tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương). Ông kính nể thầy Thước suốt đời. Đến nỗi khi ông đã là Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, còn thầy chỉ là một nhà nghiên cứu văn học, văn hóa về hưu, cứ đến ngày 20/11, ông vẫn mang hoa đến tặng thầy và xưng “con”. Thầy đề nghị thay đổi cách xưng hô ông vẫn không chịu. Đó là đạo thầy trò, đạo sư đệ !.Tôn Quang Phiệt là một nhà viết sử chân chính, một nhà báo lớn, một trí thức lớn!