Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa báo cáo việc đề xuất điều chỉnh trạm dừng nghỉ tại Km381 540 QL1

(Dân sinh) - Liên quan đến việc Công ty Thanh Bình xin bổ sung quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư trạm dừng nghỉ tại Km381 540 QL1, xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản: “Không điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu tổ hợp dịch vụ văn phòng khách sạn Thanh Bình; đồng thời phê bình Sở Giao thông vận tải…”.

Theo đó, ngày 25/2/2020, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 1003/TCĐBVN-ATGT về việc "Tiếp thu, giải trình thông tin báo chí phản ánh về điều chỉnh quy hoạch Trạm dừng nghỉ tại Km381+540 QL1, tỉnh Thanh Hóa".

Cụ thể, văn bản Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa với nội dung: Ngày 12/10/2019, báo Dân Sinh có bài "Thanh Hóa: Phê bình Sở Giao thông vận tải vì tham mưu bổ sung trạm dừng nghỉ loại 1 không phù hợp quy hoạch"; nội dung bài báo phản ánh: "UBND tỉnh Thanh Hóa phê bình Sở Giao thông Vận tải trong việc tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch Trạm dừng nghỉ loại 1 mà chưa nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan về việc đảm bảo khoảng cách quy định đối với các cửa hàng xăng dầu liền kề, làm ảnh hưởng đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp khác".

Trao đổi với phóng viên báo Dân Sinh về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa Nguyễn Văn Khiên cho biết: "Sở đã nhận được văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để báo cáo. Khi nào có văn bản sẽ gửi báo Dân Sinh". 

Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa báo cáo việc đề xuất điều chỉnh trạm dừng nghỉ tại Km381 540 QL1 - Ảnh 1.

Tổng Cục đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa giải trình gửi báo Dân Sinh

Như báo Dân Sinh đã phản ánh, ngày 25/7/2018, Công ty Thanh Bình đã có Công văn số 15/CV-TB xin bổ sung quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư trạm dừng nghỉ tại Km381+540 QL1, xã Trường Lâm. Theo đó, ngoài phần diện tích 10.194,8 m2 đang thuê đất thực hiện dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn Thanh Bình đã hoạt động từ năm 2017, nộp thuế hàng năm, Công ty Thanh Bình xin mở rộng thêm khoảng 8.910 m2 về phía Bắc và phía Nam (hai bên hông) của dự án khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn.

Đáng lưu ý, toàn bộ diện tích đất bao gồm 10.194,8m2 và diện tích xin mở rộng thêm 8.910 m2 đang được Công ty Thanh Bình xin chuyển từ đất thương mại dịch vụ sang đất hạ tầng giao thông làm trạm dừng nghỉ và trạm cung cấp nhiên liệu.

Chiếu theo điều chỉnh quy hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xin điều chỉnh từ đất thương mại dịch vụ (nộp tiền thuê đất) sang đất hạ tầng giao thông (miễn tiền thuê đất) là không phù hợp.

Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa báo cáo việc đề xuất điều chỉnh trạm dừng nghỉ tại Km381 540 QL1 - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch, vị trí xin làm Trạm dừng nghỉ mà Công ty Thanh Bình xin là đất giao thông, công cộng (Ảnh do Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cung cấp).

Cụ thể, theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tại huyện Tĩnh Gia đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1638/QĐ-UBND ngày 3/5/2019, vị trí khu đất đề xuất đầu tư trạm dừng nghỉ có chức năng là đất thương mại dịch vụ, không phải là đất hạ tầng giao thông để bố trí trạm dừng nghỉ.

Ngoài ra, theo quy hoạch điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018, vị trí khu đất đề xuất đầu tư trạm dừng nghỉ được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, không phải là đất hạ tầng giao thông để bố trí trạm dừng nghỉ.

Bên cạnh đó, theo hồ sơ đề xuất dự án của Công ty Thanh Bình, việc bố trí trạm cấp nhiên liệu (cửa hàng xăng dầu) trong trạm dừng nghỉ tại Km381+540 là không đảm bảo quy định khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía, tức phải tuyến trên quốc lộ 1 ngoài khu vực nội thành thị quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 20, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trước đó, ngày 5/11/2018, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã có văn bản số 9133/SGTVT-QLGT tham mưa cho UBND tỉnh Thanh Hóa "Bổ sung quy hoạch Trạm dừng nghỉ tại Km381+540 (P) Quốc lộ 1 thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa". Trên cơ sở tham mưu của Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị và được Tổng Cục đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải chấp thuận "Bổ sung quy hoạch trạm dừng nghỉ trên QL1 tại km381+540 (P) huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa" tại văn bản số 71/TCĐBVN-VT, ngày 5/1/2019.

Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa báo cáo việc đề xuất điều chỉnh trạm dừng nghỉ tại Km381 540 QL1 - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê bình Sở Giao thông vận tải vì tham mưu bổ sung Trạm dừng nghỉ loại 1

Trên cơ sở tham mưu của Sở Công thương, cũng như sự phản ánh của báo chí, ngày 9/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã có văn bản số 13572/UBND-THKH về việc "Không điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng khách sạn Thanh Bình tại xã Trường Lâm, huyện tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa của Công ty Thanh Bình; Phê bình Sở Giao thông Vận tải trong việc tham mưa đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông Vận Tải bổ sung quy hoạch Trạm dừng nghỉ loại 1 mà chưa nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan về việc đảm bảo khoảng cách quy định đối với các cửa hàng xăng dầu liền kề, làm ảnh hưởng đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp khác".

Như vậy, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký quyết định chấp thuận "Bổ sung quy hoạch trạm dừng nghỉ trên QL1 tại km381+540 (P) huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa" tại văn bản số 71/TCĐBVN-VT, ngày 5/1/2019 là xuất phát từ việc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa tham mưu cho UBND tỉnh này chưa phù hợp với các thông tư liên ngành, thiếu nghiên cứu.