Từ năm 2017, vào dịp tháng 10 – 11 hàng năm, nhân dịp các ngày phòng chống bạo lực với trẻ em gái 11/10 và ngày quốc tế trẻ em gái 20/11, Viện MSD và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em tổ chức chiến dịch và đối thoại thường niên với chủ đề “Lan toả yêu thương" - chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em.
Năm 2021, chiến dịch Lan toả yêu thương được phát động từ ngày 1/10/2021 với một loạt các hoạt động trực tiếp và trực tuyến bao gồm cả các tập huấn, nghiên cứu khảo sát ý kiến trẻ em, livestream truyền thông về bảo vệ trẻ em, nghiên cứu đối thoại chính sách, truyền thông xã hội… với hơn 100.000 lượt tiếp cận tại khắp Việt Nam.
Khai mạc chương trình, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động vì hành trình 5 năm đã qua của chiến dịch Lan toả yêu thương - chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em và Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em”.
Ghi nhận thành công của chiến dịch Lan toả yêu thương, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: Qua 5 năm thực hiện liên tục, chiến dịch Lan toả yêu thương đã nhận được sự quan tâm của các bộ ngành, các cơ quan địa phương, báo chí và cộng đồng. “Qua mỗi chiến dịch hay hội thảo, đối thoại hàng năm, chúng tôi cũng có cơ hội để trao đổi thêm với các bên liên quan, đặc biệt là với trẻ em về phòng chống xâm hại, chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần phải có sự quan tâm và chung tay của mọi cơ quan, ban ngành và cộng đồng, chứ không chỉ là nhiệm vụ của Cục Trẻ em hay các tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực trẻ em”, bà Nga nói.
Bà Nga cũng chia sẻ về các việc đã thực hiện sau đối thoại Lan toả yêu thương năm 2021 và chia sẻ về những giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong thời gian tới. Cụ thể: Tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương về thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong môi trường gia đình và nhà trường, thông qua nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng của gia đình, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và trẻ em; Xây dựng, thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện; Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng môi trường mạng để trẻ em chủ động, sáng tạo tham gia vào các vấn đề về trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực cho các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Mở rộng hợp tác quốc tế về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế,…
Theo bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý dự án Viện MSD, công tác trẻ em luôn đặt ra những thách thức hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong bối cảnh Covid -19 và để đáp ứng nhu cầu trẻ em tốt nhất thì không gì tốt hơn việc lắng nghe các em. “Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em trong một năm qua vẫn luôn nỗ lực hết mình để thúc đẩy tiếng nói của các em, thúc đẩy quyền tham gia của các em”, bà Hải Anh nhấn mạnh, năm 2022 Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) sẽ tiếp tục tiến trình truyền thông, giáo dục, vận động chính sách về thúc đẩy quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia, thử nghiệm các mô hình tham gia của trẻ em. Đặc biệt, CRG đang thực hiện thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong góp ý cho Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.