Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tổng lực khắc phục hậu quả mưa lũ, sẵn sàng cho năm học mới

Đã hơn 1 tuần kể từ trận mưa lũ kinh hoàng xảy ra, ngành Giáo dục huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa về những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Song vượt qua những khó khăn chồng chất, các nhà trường đang tập trung dồn sức khắc phục hậu quả của mưa lũ, chuẩn bị sẵn sàng cho năm học 2017 – 2018.

 

Suốt từ ngày 4/8 đến nay, các giáo viên đã cật lực lao động, tổng vệ sinh để kịp ngày tựu trường cho các em học sinh

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ

Có mặt tại Trường tiểu học & THCS Thị trấn Mù Cang Chải – nơi mưa lũ vừa đi qua và để lại hậu quả nặng nề mới thấy hết sự tàn khốc của cơn lũ ống đêm 2/8 và ngày 3/8 vừa qua.

Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thủy – cho biết: Lũ ống đã phá hủy toàn bộ 6 phòng nhà ở công vụ giáo viên, làm đổ tường 4 phòng học. Toàn bộ bàn ghế, các thiết bị dạy học, tường rào, nhà để xe… cũng bị phá hủy hoặc cuốn trôi. Cho đến bây giờ, cô Thủy và các giáo viên trong trường vẫn không tin vào mắt mình về những gì đã xảy ra.

Vừa chỉ đạo các giáo viên dọn dẹp, vừa xắn tay làm cùng các giáo viên, cô Phạm Thị Thủy – chia sẻ: Ngay sau khi mưa, lũ kết thúc, nhà trường đã huy động toàn bộ giáo viên kết hợp với bộ đội và các lực lượng xã hội khác đến dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai.

“Chúng tôi đang tổng lực và tập trung dồn sức thu dọn, nạo vét bùn đất, đá tràn ngập trong các lớp học, sân trường. Với tiến độ như hiện nay sẽ kịp cho học sinh tựu trường vào ngày 21/8 tới đây .

Riêng đối với khối THCS, do trường bị mưa lũ phá hủy nhiều lớp học, nên Phòng GD&ĐT đồng ý phương án chuyển toàn bộ việc dạy và học sang cơ sở Trường tiểu học Kim Đồng cũ để đảm bảo cho các em được tựu trường đúng quy định” - cô Phạm Thị Thủy cho biết.

Cũng theo cô Phạm Thị Thủy, do bị thiệt hại nặng nề nên việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học và sửa chữa trường lớp sẽ gặp nhiều khó khăn và thiếu về kinh phí. Vì vậy nhà trường rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội chung tay chia sẻ, để nhà trường sớm ổn định việc dạy và học.

Còn tại Trường mầm non Hoa Lan, ngay sau khi lũ ống đi qua, các giáo viên đã bắt tay vào việc khắc phục hậu quả. Cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Phúc – cho biết: Bắt đầu từ ngày 4/8, sau khi kết thúc lũ ống, nhà trường đã huy động giáo viên đến dọn dẹp. Đến nay, toàn bộ bùn, đất, đá đã được nạo vét, khung cảnh sư phạm đang dần được lấy lại.

“Cùng với bộ đội và các lực lượng khác, chúng tôi đang cô gắng khắc phục hậu quả để kịp cho ngày khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, do trường bị lũ ống phá hủy nhiều công trình, hạng mục nên việc sữa chữa, xây mới và mua sắm đồ chơi, đồ dùng học tập cho học sinh sẽ không thể thực hiện “một sớm, một chiều”. Chúng tôi rất mong nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ từ đồng bào cả nước và các nguồn lực xã hội khác” – cô Đoàn Thị Phúc trải lòng.

Được biết, Trường mầm non Hoa Lan bị lũ ống cuốn trôi hoặc vùi lấp toàn bộ đồ dùng, đồ chơi ngoài trời. 30m kè đá, 150 m tường rào,4 công trình vệ sinh, toàn bộ sân chơi cũng bị lũ ống phá hủy hoàn toàn. Các thiết bị như: bàn ghế, máy tính, day điện, giường ngủ của học sinh, dụng cụ nhà bếp… đều bị hư hỏng.

 

Các giáo viên Trường tiểu học & THCS Thị trấn Mù Cang Chải đang dồn sức lao động vệ sinh trường, lớp

" Ngày mai trời lại sáng..." 

Tại điểm trường Tà Ghênh thuộc trường mầm non Lao Chải, ngay tại các lớp học của điểm trường này giờ đây đã bị mưa lũ biến thành dòng suối có nước chảy xiết. Lũ ống đã cuốn trôi toàn bộ lớp học cùng đồ dùng, thiết bị dạy và học.

Theo cô Hiệu trưởng Hà Thị Nhàn, trường có 8 điểm lẻ và 1 điểm trung tâm, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Riêng điểm trưởng Tà Ghênh bị xóa sổ hoàn toàn. Hiện công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ đang được tiến hành khẩn trương.

“Mấy ngày nay, các giáo viên đã cật lực lao động để thu dọn trường lớp. Sau cơn lũ, nhìn trường lớp ai cũng ngao ngán và xót xa. Nhưng không vì thế mà chúng tôi nản trí.

Mọi người không ai bảo ai, lòng tự nhủ phải vượt qua hoạn nạn, khó khăn này. Mỗi người một việc, người nạo vét bùn đất, người khơi thông dòng chảy, người khuân vác di chuyển đồ đạc… ai nấy đều lấm lem bùn đất và làm việc không biết mệt mỏi.

Bởi trong sâu thẳm mọi người đều có chung suy nghĩ: Ngày mai trời lại sáng, các em học sinh sẽ được tựu trường, được tham dự Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường trong điều kiện tốt nhất có thể. Thế mới biết, càng khó khăn thì tình người, tình đồng chí, đồng nghiệp càng thêm đoàn kết và tỏa sáng” – cô Hà Thị Nhàn tự hào nói.

Cũng theo cô Hà Thị Nhàn, riêng điểm trưởng Tà Ghênh, huyện đã có phương án di dời chuyển sang vị trí mới. Điểm trường này cũng đã được một đơn vị tài trợ xây dựng lớp học mới theo phương thức lắp ghép để kịp cho ngày khai giảng năm học mới cho các con.

Còn các điểm trường khác, nhà trường đang khắc phục từng bước theo phương châm: Không trông chờ ỉ lại vào cấp trên, làm hết khả năng có thể. Những công việc ngoài khả năng sẽ báo cáo cấp trên để có hướng giải quyết.

Rất nhiều lực lượng xã hội đến giúp sức các trường khắc phục hậu quả của mưa lũ

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại, thầy Hoàng Văn Đồng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải – cho biết: Ngay sau mưa lũ đi qua, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường bị thiệt hại chủ động lao động vệ sinh khắc phục hậu quả sau lũ. 

Phòng GD&ĐT đã phát động đến toàn bộ các trường học khác trên địa bàn huyện, cùng chung tay, chung sức với các trường bị ảnh hưởng của mưa lũ nhằm khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo đó, đã có nhiều trường huy động 100% thầy, cô giáo đến thu dọn, lao động vệ sinh cùng giáo viên các trường bị thiệt hại do mưa lũ. "Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu với UBND thị trấn Mù Cang Chải tổ chức các lực lượng như:

Thanh niên, phụ nữ, nông dân… tham gia hỗ trợ các trường lao động vệ sinh khắc phục thiên tai. Đến nay, khoảng hơn 70% khối lượng công việc đã được thực hiện. Dự kiến ngày 21/8 tới đây các em có thể tựu trường” – thầy Hoàng Văn Đồng chia sẻ. 

"Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải đó là: Nhiều lớp học, công trình phụ trợ và đồ dùng, trang thiết bị dạy học của một số trường bị phá hủy, cuốn trôi hoàn toàn. Trong khi đó kinh phí của địa phương vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Vì thế, chúng tôi rất mong nhận được chia sẻ, giúp sức của xã hội để chúng tôi sớm ổn định trường lớp và các thầy, cô cũng yên tâm công tác”

 Thầy Hoàng Văn Đồng