Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 491.561.016 ca, trong đó có 6.175.684 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 426 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 55 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 3/4, thế giới có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
VTV cũng đưa tin, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 81,83 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 5.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 bào chế theo công nghệ mRNA sẽ ít có biến chứng tim hơn so với việc bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đây là nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ công bố. Theo nghiên cứu trên, nguy cơ biến chứng tim sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức cao hơn đáng kể so với nguy cơ sau khi tiêm vaccine mRNA bất kể ở mũi thứ nhất, mũi thứ hai hay liều tăng cường, đối với tất cả các nhóm lứa tuổi và giới tính. Kết quả nghiên cứu trên đã một lần nữa ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 bào chế theo công nghệ mRNA cho tất cả những người từ 5 tuổi trở lên.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,02 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 660.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,99 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Chính phủ Brazil đã quyết định nới lỏng hạn chế đối với du khách quốc tế đến nước này. Theo đó, Brazil chấm dứt yêu cầu du khách nhập cảnh phải trình xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng như thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Tuy nhiên, du khách cần có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu vừa mở rộng đối tượng được phép sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld dự phòng COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca sản xuất. Đối tượng sử dụng là người trên 12 tuổi và cân nặng từ 40 kg trở lên, không giới hạn về tình hình bệnh lý hay không.
Quyết định cấp phép này của Ủy ban châu Âu dựa trên khuyến nghị sử dụng từ nghiên cứu lâm sàng Provent, nghiên cứu uy tín hàng đầu trên thế giới. Điều này mở ra cơ hội được bảo vệ cho nhiều nhóm đối tượng hơn, trong đó đặc biệt nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao và nguy cơ chuyển nặng, tử vong cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người hoặc thực hiện dịch vụ thiết yếu, công tác chống dịch. Hiện Evusheld đã được cấp phép khẩn cấp tại hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam .
Cuba vừa chính thức trình hồ sơ xin phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 Abdala do nước này nghiên cứu và phát triển với Tổ chức Y tế Thế giới. Vaccine Abdala do Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma của Cuba sản xuất.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 8 triệu người Cuba đã tiêm ngừa COVID-19 với loại vaccine trên. Ngoài ra, Cuba cũng xuất khẩu vaccine Abdala sang một số nước như Venezuela, Nicaragoa, Iran, Mexico và Việt Nam. Ngoài vaccine Abdala, Cuba cũng đang xem xét để sớm trình bày các kết quả nghiên cứu lâm sàng của hai ứng viên vaccine ngừa COVID-19 khác là Soberana 01 và Mambisa.
Tiến sĩ Ridhwaan Suliman thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ (CSIR) của Nam Phi nhận định, biến thể mới Deltacron (kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron) đã xuất hiện tại Nam Phi và có thể sẽ gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5 tới ở nước này. Tiến sĩ Ridhwaan Suliman cho biết, “không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Deltacron nghiêm trọng hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn so với biến thể Omicron”. Theo ông, biến thể này đã chiếm ưu thế trong nước và trở nên phổ biến chỉ sau biến thể Omicron, nguyên nhân gây ra làn sóng dịch thứ 4 ở Nam Phi.
Bất chấp làn sóng thứ 5 đang được dự báo sẽ xuất hiện, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã nới lỏng các hạn chế đối với dịch COVID-19, dựa trên cơ sở bằng chứng của các nhà khoa học rằng khoảng 60% đến 80% người dân nước này miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Phân tích trình tự gene của mẫu bệnh phẩm lấy từ một bệnh nhân COVID-19 ở Thái Lan cho thấy, biến thể XE của virus SARS CoV-2 đã xuất hiện tại nước này, không lâu sau cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). XE được cho là biến thể lai giữa 2 biến thể phụ của Omicron là BA.1 và BA.2, hiện chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Thái Lan đang theo dõi về nguy cơ lây nhiễm của biến thể này.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho biết, chỉ trong chưa đầy 2 tuần sau khi Nhật Bản gỡ bỏ các biện pháp ứng phó dịch bệnh khẩn cấp cùng với một các biện pháp han chế khác, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã gia tăng tại 44 trong tổng số 47 tỉnh của nước này. Ngày 2/4, Nhật Bản ghi nhận 48.825 ca mắc mới, tăng 1.500 trường hợp so với tuần trước đó do sự lây lan mạnh của "biến thể tàng hình" BA.2 của Omicron. Trong khi đó, ngày 3/4, Nhật bản có 47.377 người nhiễm mới.
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Ngày 2/4, nước này ghi nhận hơn 13.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ đỉnh dịch COVID-19 đầu tiên cách đây 2 năm. Làn sóng dịch hiện nay ở Trung Quốc là do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron tại hàng chục tỉnh thành.
Thượng Hải, thành phố lớn nhất nước này đang phải đối mặt với đợt dịch bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay. Nhằm ngăn chặn đà lây lan, ngày 3/4, thành phố này đã tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 trên toàn thành phố và sẽ xét nghiệm PCR trong ngày 4/4. Các biện pháp này nhằm loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ tiềm ẩn, cắt đứt chuỗi lây truyền, hạn chế sự lây lan của virus và đạt được mục tiêu "Zero COVID" càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã mời tất cả người dân sống ở Hong Kong làm xét nghiệm nhanh COVID-19 trong giai đoạn 3 ngày từ ngày 8 - 10/4. Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Lâm cho biết, cuộc xét nghiệm dựa trên tinh thần tự nguyện này không phải là sự thay thế cho kế hoạch trước đó về xét nghiệm toàn thành phố mà nhằm đánh giá tình hình lây nhiễm dịch và xác định thời điểm tốt nhất cho xét nghiệm trên diện rộng.
Chính quyền Hong Kong đã bắt đầu phân phát các túi hỗ trợ phòng dịch, trong mỗi túi có 20 kit xét nghiệm nhanh, đến các hộ gia đình. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga kêu gọi mọi người làm xét nghiệm nhanh và báo kết quả trong vòng 24 giờ nếu dương tính.