Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 279 triệu ca

Đến 6 giờ sáng 25/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 279.178.370 ca, trong đó có 5.406.109 người tử vong.

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19  trên toàn cầu đã vượt 279.178.370 ca, trong đó có 5.406.109 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 90.000 ca), Anh cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 1.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 249.600.000 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 24 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 24/12, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Người dân chụp ảnh chào đón Năm mới trên Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 20/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân chụp ảnh chào đón Năm mới trên Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 20/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN


VTV cũng đưa tin, tại quốc gia láng giềng Canada, ngày 23/12, tỉnh Ontario đông dân nhất của nước này đã ghi nhận 5.790 ca mắc mới COVID-19, phá kỷ lục số ca mắc mới theo ngày ghi nhận trước đó. Trước diễn biến dịch phức tạp, chính quyền tỉnh đã áp đặt một số biện pháp kiểm dịch có hiệu lực từ ngày 26/12/221 đến ngày 23/1/2022. Theo đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa.

Tại châu Á, ngày 24/12, nhà chức trách Thái Lan đã ghi nhận ổ dịch đầu tiên trong cộng đồng liên quan đến biến thể Omicron tại tỉnh Kalasin, Đông Bắc nước này. Hiện có 21 ca nhiễm mới liên quan đến ổ dịch tại Kalasin. Ổ dịch này bắt nguồn từ một cặp đôi du khách tới từ Bỉ qua chương trình Test & Go của Thái Lan, theo đó miễn cách ly đối với các du khách đã tiêm phòng COVID-19.

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Cho đến nay, Hong Kong đã ghi nhận 34 ca nhiễm Omicron, nhưng tất cả là ca có lịch sử ra nước ngoài và phần lớn được phát hiện nhiễm khi nhập cảnh hoặc trong thời gian cách ly.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Chính quyền thành phố cho biết bệnh nhân là một bác sĩ và không có lịch sử du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây. Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh. Ngoài trường hợp trên, chính quyền thành phố còn ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron và những người này đều vừa đi du lịch nước ngoài về.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong ngày 24/12 đã giảm xuống dưới 7.000 ca ngày thứ hai liên tiếp, nhờ hiệu quả của các biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh nặng lại tăng lên mức cao kỷ lục. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số bệnh nhân bị bệnh nặng ở mức 1.084 người, phá vỡ mức cao kỷ lục trước đó là 1.083 người ghi nhận ngày 23/12. Nhà chức trách cho biết Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 16 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số trường hợp nhiễm biến thể này lên 262 ca.

Ở châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, cho rằng đây sẽ là món quà "tuyệt vời" dành tặng đất nước trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tại nước này đang tăng vọt. Người đứng đầu Chính phủ Anh đưa ra lời kêu gọi này khi thừa nhận rằng nước Anh chưa vượt qua đại dịch. Ngày 23/12, nước này ghi nhận con số kỷ lục là gần 120.000 ca mắc mới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại London, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại London, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Litva yêu cầu nghị sĩ phải có giấy thông hành y tế khi vào tòa nhà quốc hội. Quy định này có hiệu lực kể từ tháng 1/2022. Theo đó, chỉ những nghị sĩ đã tiêm phòng đầy đủ, hoặc đã khỏi COVID-19 trong thời gian gần đây hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ mới có thể vào tòa nhà quốc hội. Nước này cũng yêu cầu người dân xuất trình giấy thông hành y tế tại các điểm vào cửa các trung tâm thương mại, nhà hàng hoặc các tiệm làm đẹp.

Chính phủ Slovenia quyết định hủy tổ chức các sự kiện đón mừng Năm mới ngoài trời nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đây là năm thứ hai liên tiếp các sự kiện này bị hủy. Quyết định nêu rõ các nhà hàng có thể phục vụ bữa tối mừng Năm mới, nhưng khách hàng phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện tối đa 12 giờ trước đó. Giá trị của các xét nghiệm COVID-19 cũng đã được rút ngắn từ 72 giờ xuống còn 48 giờ. Đối với tiệc đón mừng Giáng sinh và Năm mới mang tính cá nhân, chỉ cho phép tối đa 3 hộ gia đình khác nhau tham gia cùng lúc và tất cả những người trên 6 tuổi nên làm xét nghiệm trước đó.

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nước đã tăng cường tiêm chủng vaccine. Cơ quan cố vấn y tế của Pháp Haute Autorite de Sante (HAS) đã khuyến nghị rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành xuống còn 3 tháng thay vì 5 tháng như hiện nay. HAS cũng khuyến nghị mở rộng đối tượng được tiêm mũi tăng cường sang cả thanh thiếu niên, nhóm cũng có nguy cơ cao mắc COVID-19. Ủy ban Tiêm phòng quốc gia Áo cho biết nước này sẽ tiêm mũi thứ tư cho các nhân viên y tế và những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu khác.

Tại Nam Phi, giới chức y tế thông báo kể từ ngày 24/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Johnson & Johnson (J&J) cho người dân. Nước này cũng quyết định chuyển chiến lược ứng phó COVID-19 từ ngăn chặn sang giảm thiểu. Theo đó, những người dân nước này sẽ không cần phải cách ly hay xét nghiệm, nếu họ không biểu hiện triệu chứng của bệnh COVID-19 sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh này.