Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là trên 263 triệu ca

Đến 6 giờ sáng 2/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 263.689.837 ca, trong đó có 5.241.046 người tử vong.

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 263.689.837 ca, trong đó có 5.241.046 người tử vong.

Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước. Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 1/12 thông báo nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở bang California. Sở Y tế công cộng San Francisco và California xác nhận 1 ca mắc COVID-19 gần đây ở bang California là do nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Thông báo cho biết người này từng đi du lịch ở Nam Phi và quay trở về Mỹ ngày 22/11/2021. Bệnh nhân này đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và chỉ có triệu chứng nhẹ. Tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân này đã được xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 100.000 ca), đồng thời cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.300 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 237 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 1/12, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19". Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước. Tại cuộc họp báo ngày 1/12, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron.

VTV cũng đưa tin, sự lây lan nhanh chóng của Omicron cũng khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo bà, đến nay 1/3 trong tổng số 450 triệu dân EU vẫn chưa được tiêm phòng và Liên minh chưa có cách tiếp cận chung về việc tiêm vaccine bắt buộc. Bà von der Leyen cũng cho rằng, hàng ngày EU cần đánh giá lại các biện pháp hạn chế đi lại của mình và nhanh chóng triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm bảo vệ người dân khỏi biến thể Omicron.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chung quan điểm với Chủ tịch EC, Thủ tướng tương lai của Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này có thể áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine và đề xuất có thể bắt đầu việc này từ tháng 2 hoặc 3/2022. Ông Scholz cũng ủng hộ việc áp đặt quy tắc 2G đối với khách hàng tới các cửa hàng bán lẻ, nghĩa là chỉ những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 mới được phép đến mua hàng. Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng đối với các hiệu thuốc. Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (RKI), số ca tử vong theo ngày tại Đức đã liên tục tăng trong một tuần qua, với 446 ca ghi nhận được trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 20/2/2021. Nhiều bệnh viện đang phải vật lộn với việc số ca nặng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, Pháp đã quyết định kéo dài ít nhất đến ngày 4/12 lệnh tạm dừng các chuyến bay từ các nước miền Nam châu Phi, khu vực mà biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Bên cạnh đó, khách nhập cảnh Pháp từ các nước ngoài EU sẽ bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, dù đã tiêm đủ vaccine hay chưa.

Cùng ngày, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ không do dự siết chặt các biện pháp hạn chế trong dịp lễ Giáng sinh nếu cần kiểm soát sự gia tăng số ca nhiễm gần đây. Dù là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, sự gia tăng số ca nhiễm gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến Chính phủ Bồ Đào Nha tái áp đặt một số biện pháp hạn chế từ ngày 1/12, như bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia sự kiện trong phòng kín, khuyến nghị làm việc từ xa khi có thể, và yêu cầu mọi hành khách đi đường hàng không phải có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh dù đã tiêm phòng đầy đủ. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là người có chứng nhận đã bình phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và trẻ em dưới 12 tuổi.

Campuchia quyết định cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 10 quốc gia châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể mới Omicron.

Campuchia quyết định cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 10 quốc gia châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể mới Omicron.

Tại châu Á, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.425 ca mắc mới tại 18 tỉnh, thành phố và 8 ca tử vong, trong đó chỉ có một ca là người nhập cảnh. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane vẫn ở mức cao với 576 trường hợp trong một ngày tại 203 bản thuộc 9 quận. Hiện thủ đô Vientiane có 355 bản tại 9 quận được quy định là vùng đỏ. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 75.163 ca, trong đó có 178 người tử vong.

Lo ngại sự lây lan của biến thể mới Omicron, Campuchia đã quyết định cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 10 quốc gia châu Phi.

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, công dân từ 10 nước châu Phi cấm nhập cảnh vào nước này gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia. Những du khách quá cảnh hoặc có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 3 tuần cũng bị cấm vào Campuchia để ngăn ngừa lây nhiễm của biến thể Omicron. Đến nay, Campuchia chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron.

Trong khi đó, Hàn Quốc xem xét áp dụng các biện pháp bổ sung để ngăn chặn biến thể Omicron, trong bối cảnh nước này ghi nhận 5.123 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 5.075 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 452.350 ca. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, số bệnh nhân nặng cũng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch là 723 người. Đây cũng là lần đầu tiên số bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc vượt mốc 700 ca.