Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tổng Thanh tra Chính phủ tiết lộ các lĩnh vực 'nhạy cảm' với tham nhũng

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ các lĩnh vực nhạy cảm với tham nhũng gồm: Quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư công và sử dụng ngân sách nhà nước, công tác cán bộ.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời báo giới bên hành lang hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

 Sáng 24/12, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã dành ít phút ngắn ngủi để trao đổi với báo giới về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) bên lề hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh. 

Phát hiện tham nhũng là khâu yếu nhất

.Thưa ông, những khâu nào là khâu yếu trong công tác PCTN hiện nay?
+ Thứ nhất là khâu triển khai một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng vì hiệu quả của khâu này chưa cao.
Thứ hai, hiện nay khâu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và khâu phát hiện tham nhũng của các cơ quan tổ chức, đơn vị là một khâu yếu chung của cả nước. Ở TP.Hồ Chí Minh cũng vậy và trong báo cáo của TP cũng thừa nhận trong năm năm qua thì khâu tự phát hiện chưa nhiều, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng ở mức độ. 
. Lĩnh vực nào được cho là tham nhũng phức tạp nhất, thưa ông?

+ Hiện nay, chúng tôi đang đánh giá một số lĩnh vực rất nhạy cảm có khả năng dễ xảy ra tham nhũng nhiều. Thứ nhất là lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai. Thứ hai là quản lý tài nguyên khoáng sản. Thứ ba là quản lý đầu tư công và sử dụng ngân sách nhà nước. Thứ tư là lĩnh vực về công tác cán bộ. 

Không riêng gì các địa phương mà trong kế hoạch thanh tra năm 2016, Thanh tra Chính phủ cũng tập trung những lĩnh vực này để tiến hành thanh tra và phát hiện, chấn chỉnh vừa phòng ngừa vừa phát hiện, vừa xử lý các hành vi tham nhũng.

Ba biểu hiện của lợi ích nhóm

. Hiện nay đã xuất hiện hành vi lợi ích nhóm trong vấn đề tham nhũng. Biểu hiện lợi ích nhóm thể hiện qua những vấn đề gì?

+ Đúng là hiện nay đã xuất hiện hành vi lợi ích nhóm trong tham nhũng. Biểu hiện rõ nhất là trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, có những vụ án liên kết rất chặt chẽ với số đông người, có thể cùng một cơ quan tổ chức hay nhiều cơ quan tổ chức khác nhau nhưng những người này kết lại thành một khối để tạo ra lợi ích nhóm.

Thứ hai, rõ nhất là trong hoạt động của ngân hàng. Vừa qua, chúng tôi thanh tra thấy lợi ích nhóm xuất hiện rất rõ, điển hình như một số vụ án liên quan đến ngân hàng đang được xét xử. Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 cũng nói rõ điều này. 

Thứ ba là biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế chính sách, họ muốn có lợi cho nhóm của mình, cho ngành mình, cho địa phương mình.

Mỗi năm chỉ xử được vài vụ kê khai tài sản bất minh

. Chúng ta có cơ chế khuyến khích người tham gia đấu tranh PCTN nhưng nhiều năm qua sao vẫn có ít người tham gia tố giác tham nhũng. Tới đây có cơ chế gì không, thưa ông?

+ Pháp luật hiện hành có quy định về việc phát huy khen thưởng và bảo vệ người tố cáo, trong đó có tố cáo hành vi tham nhũng. Thời gian qua ở chừng mực nhất định thì chúng tôi thấy chưa phát huy được. 

Có mấy nguyên nhân, thứ nhất là khi tố cáo thì người dân chưa tin vào việc giải quyết của các cơ quan nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai việc bảo vệ người tố cáo vừa qua của các cơ quan có trách nhiệm chưa được đầy đủ. Thứ ba là khen thưởng người tố cáo cũng chưa được rõ ràng, chưa được tốt.

Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ký một thông tư về khen thưởng người tố cáo. Thông tư này hiện đang được triển khai, nếu thực hiện tốt thì tôi nghĩ rằng sẽ khuyến khích được người dân tố cáo hành vi tham nhũng.
. Thời gian qua có tố giác nào của người dân về bất minh tài sản trong cán bộ công chức, nhất là cán bộ cao cấp hay không?
+ Vừa qua, chúng ta thực hiện nghị định của Chính phủ về Luật PCTN trong việc kê khai tài sản thu nhập nhưng giải pháp này hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, việc tố cáo hành vi bất minh trong kê khai tài sản là có nhưng không nhiều. Hằng năm cũng chỉ xử lý vài ba người. Năm 2015, xử lý năm người có hành vi kê khai tài sản bất minh, cho nên việc kê khai tài sản sắp tới cũng cần phải rõ ràng hơn và có giải pháp mạnh mẽ hơn, có chế tài đầy đủ hơn thì mới có thể khắc phục được.
Cơ quan chống tham nhũng cũng tham nhũng
. Hiện nay có hiện tượng xuất hiện tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng. Nhận định của ông về việc này?
+ Chúng tôi thấy rằng có xuất hiện tham nhũng trong cơ quan PCTN. Hằng năm chúng tôi có tập hợp, báo cáo trong cơ quan thanh tra, trong cơ quan kiểm sát, tòa án, công an đều có những tội phạm này. Cho nên chúng tôi khẳng định những cơ quan chống tham nhũng có hành vi tham nhũng nhưng mức độ chưa nhiều, phát hiện chưa nhiều. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng hơn trong việc phát hiện, xử lý các trường hợp này.
. Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị có đề cập trách nhiệm người đứng đầu. Nhiều năm qua, qua việc tự kiểm tra nội bộ không phát hiện được tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về vai trò người đứng đầu trong việc chủ động đấu tranh PCTN?

+ Trong Luật PCTN có chín giải pháp, trong đó có một giải pháp về trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN. Trong 10 năm qua, giải pháp này thực hiện chưa hiệu quả. Cho nên Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị đề cập vấn đề này là hoàn toàn chính xác. Trong quá trình triển khai và gắn với việc sửa đổi bổ sung Luật PCTN sắp tới thì sẽ có những giải pháp đầy đủ hơn, chế tài mạnh hơn để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.

Xin cám ơn ông.