Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại thống kê đến 5h ngày 11/9 như sau: Đã có đến 200 người chết, mất tích (141 người chết, 59 người mất tích).
Trong đó, Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích). Lào Cai có 66 người (45 người chết, 21 người mất tích), gồm: Sa Pa 9, Bát Xát 13, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 15, Văn Bàn 2, Bảo Yên 20; hiện còn nhiều người mất tích do lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên.
Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích), gồm: Lục Yên: 13, TP Yên Bái 20, Văn Chấn 1, Văn Yên 4, Trấn Yên 2.
Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người). Hải Phòng: 2 người chết do bão. Hải Dương: 1 người chết do bão. Hà Nội: 1 người chết do bão. Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất.
Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn. Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích). Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.
Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người chết do sạt lở đất). Vĩnh Phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền).
Như vậy, số người chết, mất tích đầu giờ sáng nay đã tăng 13 người so với báo cáo lúc 22h ngày 10/9.
Trong đó, Lào Cai tăng 11 người: Sa Pa: 1; Si Mai Cai: 3; Bắc Hà: 2; Bảo Yên: 5 (không thuộc khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh); Vĩnh Phúc: 2 người.
Yên Bái: Ước tính thiệt hại khoảng 195 tỷ đồng
Thiệt hại về nhà ở: có 21.678 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 70 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 30 ngôi nhà bị hư hỏng nặng…
Về nông nghiệp: diện tích cây trồng bị thiệt hại là 3.837,63 ha; 1.593 con gia cầm và 14 con gia súc bị chết; 89,82 ha diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ; 6 ao cá huyện Trạm Tấu bị vỡ bờ ước tính 375kg…
Về giao thông, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 200 vị trí sạt lở tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đất đá, đến nay nhiều điểm đường đang tắc do sạt lở đất, ngập nước...
Nhiều tuyến đường ở các địa phương Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên có các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Về công trình công cộng: Hệ thống điện, trường học, nhà làm việc, trung tâm huyện Trạm Tấu, trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên và thành phố Yên Bái bị hư hỏng, ngập nước, công trình thủy lợi, kè bị vỡ...
Thiệt hại về công nghiệp: Số cột Cao, Trung áp bị đổ, gẫy: 2 cột; Số cột Cao, Trung áp bị sạt lở, nghiêng: 9 cột; Số lượng dây bị đứt: 1.230m; Số lượng xà, sứ hỏng: 1 bộ xà đỡ, 1 bộ xà néo; 3 sứ đỡ và 6 chuỗi sứ néo thuỷ tinh. Số cột hạ áp bị sạt lở, nghiêng, rạn nứt: 35 cột; Số cột hạ áp bị đổ, gẫy cột: 29 cột; Số cột hạ bị trôi mất, vùi lấp: 4 cột; Số lượng dây bị đứt: 120 m.
Thiệt hại về thông tin liên lạc: 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone tại xã Đông Cuông, Văn Yên mất sóng do sét đánh nguồn cấp điện trạm phát; 128 trạm BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc… Ước tính thiệt hại khoảng 195 tỷ đồng.
Phú Thọ: Di dời gần 3.600 hộ dân
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa to kèm theo gió lốc mạnh. Tại xã Ấm Hạ (huyện Hạ Hòa), mực nước trên sông Hồng đã vượt trên báo động III là 2,69 m, nước sông đang tiếp tục lên.
Mưa giông kèm nước từ thượng nguồn đổ về đã làm mực nước các sông lên cao, khiến nhiều hộ dân bị ngập, thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, mưa to kèm dông lốc đã làm 1 người chết do sạt lở đất ở huyện Hạ Hòa; 2 người bị thương;
Gần 300 ngôi nhà, trường học bị hư hỏng, tốc mái; gần 3.590 hộ dân phải di dời do ngập lụt; trên 3.070 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị gãy, đổ; 28 lồng cá bị hư hỏng; 47 cột điện hạ thế bị gãy; hơn 30 trường học, trụ sở cơ quan bị hư hỏng, tốc mái…Mưa bão đã làm 26.500m3 đất tại các tuyến đường giao thông sạt lở.
Đặc biệt, cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bị sập lúc 10h ngày 9/9, sơ bộ xác định còn 8 người mất tích. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, ngày 10/9, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm ở một số nội dung, trong đó thông tin tuyên truyền phải kịp thời, chính xác, không để lan truyền tin giả, tin sai sự thật khiến người dân hoang mang. Các cơ quan thông tấn báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến từng cơ sở, người dân.
Đối với tình trạng nguy cấp của hồ Thác Bà, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nắm bắt tình hình, phương án xử lý của Chính phủ để thông báo kịp thời.
Đồng thời chủ động thông báo tình hình cho nhân dân các huyện ven sông để người dân có thể chủ động di dời tài sản, con người đến nơi an toàn. Ưu tiên số 1 là đảm bảo an toàn cho người dân. Công tác triển khai di dời và đảm bảo sinh hoạt cho người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ phải được thực hiện song song.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, các địa phương bị ngập lụt phải kiên quyết sơ tán, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, có phương án hỗ trợ nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống cho Nhân dân.
Các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc, chung tay mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đến từng khu dân cư và mỗi người dân trong việc phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, kịp thời động viên, thăm hỏi các gia đình nạn nhân mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu và bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.
Lạng Sơn: 3 người chết, 10 người bị thương
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 17h ngày 10/9, thiệt hại do mưa, bão trên địa tỉnh tiếp tục tăng.
Cụ thể, địa bàn tỉnh có 3 người chết, 10 người bị thương; 9.604 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở; 33 công trình công sở, công trình công cộng bị thiệt hại;
Trên 7.454 ha đất nông nghiệp, 4.548 ha đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng; 43 vị trí tại các tuyến quốc lộ, 75 vị trí tại các tuyến đường tỉnh, 193 vị trí ở các tuyến đường huyện bị ngập úng, sạt lở đất, cây đổ ra đường; 45 cột điện cao thế và hạ thế bị gãy đổ... Ước tính sơ bộ tổng thiệt hại trên 560 tỷ đồng.
Hiện nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra.
Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động có các biện pháp phòng, chống các hiện tượng nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất kịp thời, hiệu quả.
Hà Giang: Tổng thiệt hại gần 32 tỷ đồng
Ông Lê Anh Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết: Tính đến tối 10/9, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ước tổng thiệt hại 31,8 tỷ đồng.
Từ đêm ngày 8 đến tối 10/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to đến rất to kèm theo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương.
Mưa lũ đã khiến 2 người chết, cụ thể: Nạn nhân là cháu G.T.C (sinh năm 2021, trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc). Theo chính quyền địa phương, bố và mẹ cháu đi làm công nhân ở xa, cháu ở nhà với ông bà. Sáng sớm 9/9, cháu cùng với các bạn trên đường đi học. Khi đi qua khu vực suối ở thôn Hấu Chua, cháu G.T.C không may bị trượt chân nên đã bị nước lũ cuốn trôi.
Nạn nhân thứ hai trong đợt mưa lũ ở Hà Giang này rất thương tâm là cháu C.T.Á.T, 6 tháng tuổi (sinh năm 2024, thường trú ở thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, do một lượng lớn đất đá trên đồi sạt lở xuống làm sập nhà hoàn toàn vào chiều tối ngày 9/9, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Một người bị thương nặng là cháu Xin Thị Hoài (sinh năm 2020 thường trú thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì) đã được các lực lượng chức năng cứu hộ thành công trong vụ sạt lở đất.
Đợt mưa lớn kèm theo lũ trong 3 ngày qua, Hà Giang có 940 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 56 ngôi nhà phải di rời khẩn cấp, 198 nhà bị sạt lở, 7 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 97 nhà bị tốc mái và 570 nhà bị sạt lở đất, ngập úng. Mưa lũ cũng đã khiến gần 1.300 ha lúa, ngô, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại. Hàng nghìn con gia súc, gia cầm của bà con bị chết, lũ cuốn trôi.
Nhiều tuyến kênh mương cũng đã bị đất đá vùi lấp hư hỏng nặng không sử dụng được. Đặc biệt, mưa lũ trong 3 ngày qua cũng đã khiến hàng nghìn m3 đất đá tràn sạt lở tràn xuống các tuyến đường giao thông huyết mạch của các địa phương.
Tại các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, do mưa lũ đến bất ngờ đã khiến nhiều trường mầm non, tiểu học bị ngập úng. Nhiều cột điện ở các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì bị gãy đổ. Hàng trăm thiết bị điện tử như ti vi, tủ lạnh, máy giặt bị ngập nước khiến hư hỏng hoàn toàn…
Hiện nay tại một số địa phương trời vẫn tiếp tục đổ mưa, mực nước trên các sông Lô, sông Gâm và các con suối vẫn duy trì ở mức cao. Nhiều tuyến đường bị sạt lở khiến giao thông vẫn chưa thể đi lại được… nên công tác khắc phục mưa lũ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ninh Bình: Chủ động ứng phó với mưa lũ
Ngày 10/9, UBND tỉnh Ninh Bình phát đi công điện số 23/CĐ - UBND về việc tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ. Tỉnh đưa ra cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm.
Cụ thể, mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi ven sông, vùng trũng thấp trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai một số nội dung:
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản;
Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện; Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút...
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, yêu cầu các chủ phương tiện tổ chức neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo hành lang thoát lũ, an toàn giao thông đường thủy trên các tuyến sông...