Như chúng tôi đã đưa tin, chiều 6/8, nữ bệnh nhân Phạm Thị Chi (SN 1985, trú tại thôn Cổ Bi 3, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã tử vong một cách bất thường tại BVĐK thị xã Hương Trà sau khi được người nhà đưa vào đây điều trị chứng đau vai gáy.
Điều đáng nói là nữ bệnh nhân này tử vong sau thời điểm các bác sỹ của BVĐK thị xã Hương Trà tiêm 1 mũi và cho chị uống 2 viên thuốc được hơn 5 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, theo chồng chị Chi cho biết, trước khi được tiêm thuốc chị Chi chưa ăn uống gì.
Cái chết bất thường của chị Phạm Thị Chi, khiến người nhà bệnh nhân hết sức phẫn nộ. Họ đã tập trung rất đông trước cổng BVĐK thị xã Hương Trà và trước cửa nhà xác của bệnh viện này yêu cầu phía bệnh viện cung cấp hồ sơ bệnh án. Tuy nhiên yều cầu của người nhà bệnh nhân đã không được đáp ứng vì bệnh viện cho rằng hồ sơ bệnh án đã bị cơ quan điều tra niêm phong trước đó.
Phải đến rạng sáng 7/8, người nhà mới đồng ý cho các cơ quan chức tiến hành khám nghiệm tử thi chị Chi. Đến sáng cùng ngày, thi thể bà mẹ trẻ xấu số được bàn giao cho gia đình tổ chức lễ tang và an táng. Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân cái chết bất thường của bệnh nhân Phạm Thị Chi tại BVĐK thị xã Hương Trà vẫn chưa được công bố.
4 cha con anh Phan Ngọc Tín đứng đợi mọi người khênh linh cữu chị Chi ra khỏi nhà để đưa đến nơi an táng
Sáng 11/8, gia đình và người thân đã tổ chức lễ di quan và an táng thi thể chị Chi tại nghĩa trang thôn Cổ Bi 3, xã Phong Sơn theo phong tục địa phương. Ngay từ 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại thôn Cổ Bi 3 và chứng kiến lễ tang đẫm nước mắt với những nỗi đau tột cùng cũng như những hình ảnh bi thương khó diễn tả nên lời.
Trước lúc chúng tôi có mặt, đã có hàng trăm người thân, hàng xóm đến tiễn đưa bà mẹ trẻ xấu số. Trong những ngày qua, cái chết bất ngờ của chị Chi đã khiến cho cả người thân lẫn hàng xóm cảm thấy bàng hoàng. Họ không thể tin đó lại là sự thật.
Chị Nguyễn Thị Mến, một người hàng xóm mếu máo: “Chao ôi, sao lại có chuyện này! Bình thường Chi khỏe mạnh lắm, lại tháo vát. Mọi chuyện trong nhà một tay em hắn lo, giờ thì….”
Chị Trần Thị Mai Ly, con bà cô ruột của chị Chi thì lại cho biết: “Chi nó mất mẹ từ lúc lên 9 tuổi, một tay ba nó nuôi 7 đứa con khôn lớn. Chi ra đời sớm nên rất hiểu biết và nhanh nhẹn. Chi sống tốt, hòa thuận với tất cả mọi người nên rất được bà con làng xóm yêu quý. Giờ em nó ra đi, để lại 3 đứa con thơ dại một tay chồng gánh vác. Hoàn cảnh như thế đúng là quá tội nghiệp”.
So với tất cả, người đau đớn nhất lúc này chắc chắn phải là anh Phan Ngọc Tín, chồng chị Chi. Trước linh cữu vợ, anh như một kẻ mất hồn. Dẫu nước mắt không rơi, nhưng có lẽ đó chỉ là khoảnh khắc anh cố nín lòng lại để đưa tiễn người vợ xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng được mồ yên mả đẹp. Nhưng những ngày tới đây sẽ là quảng thời gian vô cùng khó khăn với anh. 3 đứa con thơ: đứa lớn nhất học lớp 3, đứa thứ 2 lên 4 tuổi, còn cô con gái út mới đầy 18 tháng tuổi đang còn bú mẹ rồi sẽ một tay anh lo liệu. Những đứa trẻ này còn quá nhỏ đã phải chịu cảnh thiếu tình yêu thương, bàn tay chăm sóc của người mẹ rồi sẽ ra sao?
Điều kiện gia đình anh Tín lại thuộc diện khó khăn. Từ khi kết hôn, hai vợ chồng anh chị dựng tạm 1 căn nhà với mấy cột trụ bê tông; mái lợi fibro ximăng và mấy tấm ván gỗ tràm ghép lại làm nơi che mưa che nắng cho cả nhà, đồng thời cũng là chỗ chị Chi khi còn sống kinh doanh quán giải khát, còn anh Tín làm nghề sửa xe máy.
Mấy hôm làm đám tang chị Chi, do trong nhà không có hương án, tủ thờ, gia đình lại phải đi thuê của người ta mang về để làm đám cho chị. Đưa chị ra mộ huyệt rồi, gia đình lại phải dẹp một góc giữa nhà, kê cái bàn cũ ọp ẹp làm nơi đặt bài vị, di ảnh và bát nhang để thờ. Nhìn cảnh ấy, những người có mặt tại nhà anh Tín đã không khỏi ái ngại, xót xa.
Còn 3 đứa trẻ thơ kia, các cháu còn quá nhỏ để cảm nhận được hết nỗi đau mất mẹ vào lúc này, nhưng rồi sớm thôi, sự vắng bóng người mẹ sẽ ập đến. Chẳng nói đâu xa, theo người nhà cho biết, mấy đêm nay, cô con gái út liên tục khóc đòi mẹ để bú sữa và những ngày tới việc này chắc chắn sẽ lặp lại.
Từ ngày nhận được tin dữ của con, ông Phạm Quang Huy, (cha đẻ chị Chi) không muốn tin đó là sự thật. Dù trong lòng rất đau đớn, nhưng là một người đàn ông từng trải, trong những ngày qua ông vẫn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để động viên con cháu cố gắng vượt qua sự mất mát quá lớn và không gì bù đắp được này. Song, nước chảy đến đá còn mền huống hồ là tim, gan con người. Lúc tất cả mọi người đang tập trung hạ huyệt thi thể đưa con gái xấu số, ông Huy ra một chỗ khác, lặng lẽ khóc – tiếng khóc của kẻ đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh.
Một số hình ảnh trong lễ an táng bà mẹ trẻ xấu số:
Ngay từ lúc sáng sớm, đã có rất nhiều người đến đưa tiễn chị Chi về nơi an nghỉ cuối cùng
Nước mắt tiếc thương lăn dài trên gò má của cả người thân lẫn hàng xóm bà mẹ trẻ xấu số
Những đứa con của anh Tín còn quá nhỏ để cảm nhận hết được nỗi đau mất mẹ
Cô con gái út mới 18 tháng tuổi và đang còn bú mẹ mấy đêm nay khóc đòi mẹ liên tục
Người nhà gào khóc khi lễ hạ huyệt được tiến hành
Những tháng ngày tiếp theo sẽ rất vất vả đối với anh Tín khi gia đình anh thuộc diện khó khăn, nhà cửa tạm bợ.
Đến tủ thờ, hương án cũng phải đi thuê
Còn nơi đặt bài vị, di ảnh, bát hương để thờ chị Chi cũng chỉ mới được làm tạm như thế này
Mọi giúp đỡ, chia sẻ của bạn đọc, các nhà hảo tâm cho gia đình anh Tín xin gửi về: Phan Ngọc Tín, thôn Cổ Bi 3, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế Hoặc liên hệ phóng viên báo Lao động Xã hội, baodansinh.vn qua số điện thoại: 0905 354 786 (gặp Vi Thảo) |