Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP. Đà Nẵng triển khai Tháng hành động vì trẻ em

Với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, TP. Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 nhằm tiếp tục tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để mọi trẻ em của thành phố được thực hiện đầy đủ quyền của mình và được phát triển toàn diện nhất.

Trẻ em thảo luận mong muốn Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện với trẻ em.

Trẻ em thảo luận mong muốn Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện với trẻ em.

Nhiều hoạt động thiết thực

Những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) đã được TP. Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, triển khai thường xuyên và hiệu quả. Thành phố ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo đó, hàng ngàn trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh… được các cấp, các ngành, hội đoàn thể, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố dành sự chăm lo chu đáo, tạo điều kiện cho các em thụ hưởng đầy đủ hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng thông qua các chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất, chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; các chương trình học bổng, xây nhà tình thương, phẫu thuật tim bẩm sinh; khám sàng lọc để phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVCSGDTE trên địa bàn thành phố vẫn còn những khó khăn, thách thức, đó là: sự phân hóa giàu nghèo, vai trò và các giá trị truyền thống đạo đức trong gia đình cũng như các quan niệm, chuẩn mực xã hội có nhiều thay đổi; diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sinh hoạt, học tập, tinh thần... của trẻ em; vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại, bạo lực… đòi hỏi sự vào cuộc, trách nhiệm cao hơn nữa của người lớn đối với trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6) là đợt cao điểm cả nước diễn ra các hoạt động chăm lo cho trẻ em. Tại TP. Đà Nẵng, ngày 31/5, HĐND, UBND thành phố đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” và Diễn đàn đối thoại của Lãnh đạo thành phố với đại biểu trẻ em năm 2023. Đây là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em, qua đó tạo sân chơi bổ ích, lý thú để trẻ em thành phố được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện quyền tham gia của mình; giúp tăng cường sự năng động, tự tin, tư duy, chủ động trong bày tỏ hiểu biết, quan điểm đối với các vấn đề liên quan trẻ em, vấn đề xã hội, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố cũng đã đến thăm, động viên, chia sẻ với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. 7/7 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em với nhiều chương trình có ý nghĩa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Các hoạt động trọng tâm trong Tháng hành động vì trẻ em tiếp tục được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cấp, ban, ngành, hội, đoàn thể, cộng đồng tập trung đẩy mạnh, như:

Đẩy mạnh việc dạy bơi cho trẻ em để phòng trách đuối nước.

Đẩy mạnh việc dạy bơi cho trẻ em để phòng trách đuối nước.

Công tác tuyên truyền, vận động: Tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em nhất là đuối nước, tai nạn giao thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử và các hình thức khác. Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, chống lao động trẻ em (ngày 12/6); đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, Tổng đài 1022 của thành phố, các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ trên địa bàn thành phố; sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai111.vn) và fanpage Truyền hình Vì Trẻ em VTV1. Truyền thông tư vấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, lao động trẻ em; thông tin, tố cáo kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Chăm lo kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh: Triển khai việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, cộng đồng dân cư giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, bổ ích.

Hoạt động bảo vệ trẻ em: Thực hiện các giải pháp, mô hình, hoạt động để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động trái pháp luật; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước, tai nạn giao thông. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời các khu vực nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đối với trẻ em. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ phối hợp liên ngành về công tác trẻ em trong việc thông tin kết nối, hỗ trợ, can thiệp và xử lý kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột sức lao động…

Vận động nguồn lực, chăm sóc trẻ em: Vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em; ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, trao học bổng, dụng cụ học tập và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em: Tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp, đối thoại, tọa đàm, khảo sát lấy kiến trẻ em... để trẻ em bày tỏ ý kiến, thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng tạo đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ. Đồng thời, tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố; sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội; sự sẻ chia rất đáng trân trọng của các tổ chức, cá nhân, trẻ em TP. Đà Nẵng sẽ được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và được hưởng những gì tốt nhất không chỉ trong Tháng hành động trẻ em mà sẽ là mọi thời điểm trong năm.