Nhiều hoạt động thiết thực vì trẻ em
Công tác tuyên truyền, tập huấn: Công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được triển khai chủ động và kịp thời đem lại hiệu quả thiết thực góp phần tăng cường công tác phòng ngừa, chủ động phòng tránh các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Nhân dịp Tháng hành động Vì trẻ em và Tết Trung thu, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng xây dựng 2 phóng sự về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phối hợp xây dựng 1 chuyên trang về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên Báo Hải Phòng, phối hợp với Trung tâm Thông tin cổ động - Sở Văn hóa và Thể thao treo 75 khẩu hiệu tuyên truyền công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; tổ chức truyền thông và phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức tuyên truyền cung cấp kiến thức kĩ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại; Phòng chống tai nạn, thương tích cho gần 6.000 trẻ em và giáo viên; tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho gần 700 cán bộ trẻ em các cấp, cộng tác viên mô hình, cha/mẹ và người chăm sóc trẻ em. Trung tâm Công tác xã hội thành phố (nay là Trung tâm Chống bạo lực xâm hại trẻ em) cấp phát 2.200 sản phẩm tuyên truyền (quạt nhựa) cung cấp thông tin về tổng đài tư vấn trợ giúp chính sách xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em 18006605; in 225 áp phích tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022; cấp phát 680 quyển tài liệu tuyên truyền công tác xã hội đối với trẻ em bị rối loạn phổ tự kỉ; tổ chức 37 hội nghị tuyên truyền về công tác xã hội cho 13.118 đại biểu là đại diện các ban, ngành, đoàn thể; bí thư chi bộ; trưởng thôn; tổ trưởng dân phố; hội viên; cộng tác viên xã hội; người dân; phụ huynh và trẻ em tham gia.
Các quận, huyện và các xã, phường thị trấn trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập trung trong Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu năm 2022: xây dựng hơn 600 tin bài, chương trình phát thanh trên hệ thống đài phát thanh quận, huyện và hệ thống truyền thanh của các xã, phường về luật pháp, chính sách, chương trình, kế hoạch về bảo vệ chăm sóc trẻ em, chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em”; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây 1800 6605 của thành phố để mọi người dân liên hệ khi có nhu cầu thông tin thông báo tố giác tội phạm, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; treo hơn 700 pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em và Tết Trung thu năm 2022, các quận, huyện, xã, phường trên toàn thành phố đã tổ chức được hơn 2.000 hoạt động cho trẻ em thu hút sự tham gia của hơn 400 nghìn lượt trẻ em.
Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm và đã được triển khai thực hiện tốt. Trong năm 2022, toàn thành phố đã có gần 372 nghìn luợt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tặng quà, học bổng với kinh phí trên 57,5 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố (nay là Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố) đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám sàng lọc cho 114 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, kết quả số trẻ em phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh là 60 trẻ, số trẻ được chỉ định phẫu thuật là 19 trẻ (kinh phí hỗ trợ phẫu thuật tim từ 30 - 50 triệu đồng/em). Trong năm 2022 đã có 3.864 lượt trẻ em được Quỹ hỗ trợ về giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe với kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng.
Phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em: Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được thúc đẩy với nhiều biện pháp, nhằm giảm số trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trong năm đã phát hiện 25 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục là 6 trẻ, bỏ rơi là 14 trẻ, bị bạo lực 5 trẻ. So với năm 2021 giảm 14 trường hợp (35%). 100% các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục khi được phát hiện đã được ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp can thiệp hỗ trợ; 100% các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi đã tìm được hình thức chăm sóc thay thế phù hợp.
Năm 2022, Sở LĐ-TB&XH thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai duy trì hoạt động của các Mô hình bảo vệ trẻ em; Mô hình Phòng, chống xâm hại trẻ em tại xã Hùng Thắng, huyện tiên Lãng; Mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải; Mô hình chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại 2 phường Phù Liễn và Nam Sơn của quận Kiến An. Hoạt động của các mô hình đều hướng đến bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác phòng ngừa.
Có thể nói, trong năm 2022, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tổ chức triển khai thực hiện chủ động, kịp thời theo đúng kế hoạch. Các hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu được duy trì thực hiện tốt với nhiều hoạt động thiết thực. Số trẻ em được nhận hỗ trợ và số kinh phí đều tăng so với năm 2021. Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã vận động được số kinh phí là 3,8 tỷ đồng (đạt kế hoạch năm và bằng 105% so với năm 2021). Các vụ việc liên quan đến vi phạm quyền trẻ em được các cơ quan liên quan tiếp nhận xử lý kịp thời, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em. Công tác truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được triển khai thực hiện hiệu quả mang lại hiệu ứng xã hội tích cực góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tình trạng xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích trẻ em giảm đáng kể so với năm 2021.
Đến nay, các quận, huyện đã hoàn thành việc đánh giá và công nhận các xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Kết quả có 176/217 (81,1%) xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (vượt 1,1% so với kế hoạch đặt ra năm 2022 là 80%).