Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại tổ.
Sáng nay 14/11, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, TP.Hồ Chí Minh là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về Trung ương cũng đứng đầu. Hiện nay, "thành phố chỉ được để lại 18% tất cả các khoản thu, 82% đóng về T.Ư. Số khoản thu được để lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%".
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để thành phố điều tiết dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. “Đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì các toa phía sau sẽ chậm theo. Vì thế, quy định cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh không phải cho riêng thành phố mà cho cả nước” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội phân tích, TP.HCM có quy mô dân số, đóng góp vào GDP lớn nhất cả nước nhưng thời gian qua tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nghị quyết này đưa ra để tạo động lực cho đầu tàu, từ đó tạo động lực cho cả nước, giao cho TP.HCM phân bổ và quyết định ngân sách của TP. Việc này phù hợp với định hướng phát triển.
“Chúng ta giao đồng mua mắm, đồng mua tương nhưng cuối cùng người không ăn mắm cũng không mua tương được. Vì thế, nên thay đổi cơ chế, giao địa phương chủ động phù hợp với thực tế của họ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong Dự thảo Nghị quyết quy định cho TP. Hồ Chí Minh tăng mức thuế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều loại thuế tăng hợp lý. Cụ thể như thuế bảo vệ môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên không nên tăng tất cả các loại thuế, trừ thuế XNK thì không hợp lý, làm mất đi tính cạnh tranh. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần lựa chọn một số chính sách thuế mà TP.Hồ Chí Minh đang phải chịu gánh nặng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân (đoàn Hà Nội)
Liên quan đến cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Lê Quân (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đánh giá, những cơ chế đặc thù cho TP. HCM còn mạnh hơn cả đặc khu kinh tế, vì đặc khu ở tương lai, còn cơ chế đặc thù này lại áp dụng ngay.
Cơ chế đặc thù trao rất nhiều quyền cho TP. HCM, nhưng theo đại biểu Lê Quân, đi kèm với nó, phải nằm trong khuôn khổ, đảm bảo tính hiệu quả.
Nhất trí với việc áp dụng tăng thu nhập cho cán bộ, công viên chức, nhưng Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, TP. HCM phải đảm bảo tỉ lệ chi thường xuyên giảm nhanh. “Tăng lương, chi thường xuyên phải giảm nhanh hơn tốc độ bình quân cả nước”, Thứ trưởng lưu ý.
Ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), đi kèm với đó nên cho TP. HCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay.
Thậm chí, đại biểu này còn đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan. Theo ông Hiểu, nhiều lĩnh vực cán bộ công viên chức có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần.
Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…
“Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin nên có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà”, ông Hiểu nói.
Đồng tình với việc ban hành nghị quyết, song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn.
"Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt", ông Cường nhấn mạnh.