Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) TP. HCM cho biết, tính đến cuối năm học 2020-2021, toàn TP có 1.368 trường mầm non. Trong đó, có 472 trường công lập (chiếm tỷ lệ 34,5%) và 896 trường ngoài công lập (tỷ lệ 65,5%). So với năm học 2019-2020, khối công lập tăng thêm 5 trường và khối ngoài công lập tăng 11 trường.
Tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập là 1.806 nhóm, lớp, tăng 67 nhóm, lớp so với cuối năm học 2019-2020. Năm học 2020-2021, toàn bậc học có 355.167 trẻ, trong đó 157.174 trẻ ở khối công lập (tỷ lệ 44,3%). Dự kiến trong năm học 2021-2022, bậc học này sẽ tăng thêm 27 cơ sở trường học, tổng quy mô học sinh tăng thêm 5.140 trẻ. Trong đó, khối công lập tăng 1.543 trẻ và ngoài công lập tăng 3.597 trẻ.
Sự gia tăng học sinh chủ yếu tập trung tại các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, có các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) dẫn đến tình trạng dân số tăng cơ học cao như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, TP Thủ Đức…
Trước dịch Covid xảy ra, TP. HCM áp dụng và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ thống trường mầm non. Song đến nay, tại các KCN, KCX TP. HCM, số lượng trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu gửi trẻ. Năm 2019, địa bàn TP. HCM có 17 KCN, KCX với tổng lao động nữ hơn 174.000 người (chiếm 62,6%). Trong đó, có tới 31% nữ công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi nên nhu cầu gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo rất cao. Tuy vậy, ở các KCN, KCX TP. HCM mới có 23 dự án trường mầm non, trong đó: 18 trường mầm non đã đưa vào hoạt động; 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến xây dựng tại KCN Tân Bình; 2 dự án đề nghị không thực hiện do đã chuyển đổi mục đích sử dụng tại KCN Tân Tạo và KCN Lê Minh Xuân; 1 dự án đang trong quá trình chuyển giao cho đơn vị chủ quản mới tại KCN Lê Minh Xuân.
Một bất cập khác là thời gian trông giữ trẻ của các trường mầm non công lập luôn không khớp với thời gian làm việc của cha mẹ. Công nhân tại các KCN, KCX thường xuyên phải làm việc đến 19h, làm việc theo ca vào cuối tuần. Trong khi đó, các trường mầm non công lập chỉ nhận giữ trẻ đến 17h30 các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, không nhận giữ trẻ vào dịp cuối tuần và dịp nghỉ hè.
Tính đến cuối năm học 2020-2021, toàn TP. HCM, tỷ lệ giáo viên/nhóm trẻ là 1,86 và giáo viên/lớp mẫu giáo là 1,80. Toàn TP. HCM có 16.684 giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (không biên chế).
Để đảm bảo điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, TP HCM nói chung và TP Thủ Đức, 21 quận, huyện tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình trường học và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Hiện nay, TP HCM có 200/1.368 trường mầm non được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và 16 trường thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập theo xu thế khu vực và quốc tế.
Năm học 2020-2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng là 248 tỷ đồng, ngoài ra kinh phí thực hiện Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ đối với giáo viên hợp đồng lao động dưới 12 tháng và nhân viên nuôi dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non là 206 tỷ đồng.
Đây là hai trong số các chính sách quan trọng nhằm giúp các giáo viên mầm non gắn bó với nghề, qua đó thu hút thêm nguồn lực giáo viên cho TP. HCM.
Tuy nhiên, việc trẻ tạm dừng đến trường do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến một số hoạt động cũng như đời sống của đội ngũ trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho lao động theo diện hợp đồng. Các đơn vị ngoài công lập không có kinh phí chi trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho hợp đồng lao động nên nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động, đội ngũ biến động liên tục.
Về triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GĐ&ĐT TP. HCM), các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, giữ vững mục tiêu phát triển an toàn và bền vững, nâng cao chất lượng và điều kiện thực hiện chương trình, đảm bảo duy trì chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cũng trong năm học này, TP. HCM hướng đến mục tiêu phổ cập trẻ mầm non dưới 5 tuổi, củng cố và mở rộng quy mô xây dựng trường lớp, nâng cao chất lượng trường tiên tiến hội nhập, trường đạt chuẩn quốc gia, nhóm lớp độc lập, tư thục. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ triển khai trong năm học này là nâng cao tỷ lệ trẻ 5 tuổi học bán trú ở các huyện ngoại thành, tiếp tục triển khai dạy học tiếng Anh theo hình thức ngoại khóa khi trẻ trở lại trường học.
Riêng đối với các đơn vị ngoài công lập đã hoặc đang tiến hành thủ tục giải thể, địa phương cần nhanh chóng xử lý, giải quyết và sắp xếp chỗ học cho trẻ. Phòng GĐ&ĐT quận, huyện có trách nhiệm sắp xếp, phân bổ lại lao động, tạo điều kiện cho giáo viên học tập, nâng cao trình độ.
Trong thời gian trẻ chưa đến trường, nhà trường tiếp tục phối hợp với cha mẹ học sinh để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhà.
Ngoài ra, Sở GĐ&ĐT TP. HCM lưu ý, các địa phương không tổ chức sáp nhập trường mầm non vào trường phổ thông. Việc sáp nhập phải đảm bảo quyền lợi được đến trường của trẻ, không sáp nhập trường chuẩn và trường chưa đạt chuẩn gây ảnh hưởng chất lượng hoạt động của các trường đạt chuẩn.
Phó Giám đốc Sở GĐ&ĐT TP. HCM Lê Hoài Nam nhận định, năm học 2021-2022 là năm học rất đặc biệt, chưa có tiền lệ. Trong đó, bậc mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất do hạn chế về phương pháp dạy học. Sắp tới, Sở GĐ&ĐT TP. HCM sẽ trình HĐND TP. HCM thông qua các quy định về hỗ trợ học sinh và giáo viên ở các trường mầm non tại các KCN, KCX. Theo đề xuất, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng và mỗi giáo viên được nhận hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.
Phó Giám đốc Sở GĐ&ĐT TP. HCM cho biết, hiện nay sở này đã xây dựng đầy đủ các tiêu chí an toàn trường học, sẵn sàng phương án tổ chức cho trẻ trở lại trường học nhưng chưa thể quyết định thời gian cho trẻ đến trường do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Có thể nói đây là bậc học duy nhất của TP chưa thể bắt đầu năm học mới do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục luôn phải trong tư thế sẵn sàng để khi trường học mở cửa trở lại có thể tổ chức dạy học ngay, không lúng túng trong công tác tổ chức. Song song đó, các đơn vị phải chuẩn bị phương án dạy học nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Với đặc thù tâm sinh lý của trẻ ở độ tuổi mầm non, cơ sở giáo dục chưa thể triển khai phương pháp dạy học trực tuyến như các bậc học khác. Do đó, các cơ sở giáo dục nghiên cứu các phương pháp dạy học gián tiếp như quay video clip gửi cho phụ huynh để phụ huynh giáo dục trẻ tại nhà, Phó Giám đốc Sở GĐ&ĐT TP. HCM Lê Hoài Nam cho biết.
Cũng qua đợt dịch này, thực tế cho thấy nhiều trường mầm non ngoài công lập không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên khiến đội ngũ này không được nhận hỗ trợ theo các quy định hỗ trợ người lao động trong tình hình dịch bệnh. Từ thực tế đó, Sở GĐ&ĐT TP. HCM đề nghị các phòng GĐ&ĐT quận, huyện rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật tại các đơn vị ngoài công lập. Thời gian qua, đã có địa phương phát hiện nhóm trẻ hoạt động không phép và yêu cầu ngưng hoạt động. Sở GĐ&ĐTT TP. HCM đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát hoạt động của loại hình giữ trẻ này, không để xảy ra tình trạng giữ trẻ không phép.
Riêng đối với đề xuất TP. HCM hỗ trợ chi trả lương cho đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục, Phó Giám đốc Sở GĐ&ĐT TP. HCM Lê Hoài Nam cho biết, mặc dù cơ sở giáo dục không thu học phí của phụ huynh trong học kỳ 1 năm học 2021-2022 nhưng ngân sách TP sẽ hỗ trợ học phí cho các trường.
“Hiện tại, TP. HCM đang rà soát, tổng hợp danh sách và sẽ chi tiền hỗ trợ cho các đơn vị. Trong thời gian chờ đợi, trường học có thể linh động sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho các khoản chi tiền điện, nước, văn phòng phẩm – vốn không nhiều trong giai đoạn học sinh chưa đến trường, để chi hỗ trợ cho giáo viên trước. Khi nào ngân sách TP. HCM cấp kinh phí hỗ trợ học phí, các trường sẽ tính toán, cân đối lại phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị”.