Hướng đến việc cải tạo nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, trường học, công viên, bến xe,… tại TP. Hồ Chí Minh trở nên an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND quận 10 phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), ngày 7-8/10/2020 đã tổ chức hội thảo chia sẻ và giới thiệu công cụ ngân sách có trách nhiệm giới trong việc cải tạo cơ sở hạ tầng cho đại diện ban giám hiệu các trường, các ban ngành của quận 10; Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới sở ban ngành thành phố và quận huyện. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác 5 năm giữa UN Women và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về Thành phố an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn 2017-2021.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, cho biết theo kết quả nghiên cứu năm 2017 các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố còn thiếu an toàn và thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em: vệ sinh, độ sáng, không gian, và sự thuận thiện. "Tiêu chí về việc sử dụng nhà vệ sinh an toàn, bảo đảm sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái thường bị bỏ quên trong quá trình lên kế hoạch và xây dựng. Ngoài ra, quá trình xây dựng ít tính đến những yếu tố rủi ro và an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Vì vậy, việc lồng ghép giới trong việc lập kế hoạch và sử dụng ngân sách là cực kỳ quan trọng".
Hội thảo hôm nay giúp hơn 50 đại biểu Quận 10 nâng cao nhận thức về việc tiếp cận đến nhà vệ sinh an toàn và thân thiện ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái như thế nào, đây là những số liệu cần thu thập để nhận diện vấn đề giới trong cải tạo các nhà vệ sinh công cộng của các chợ, trường học từ đó có những kế hoạch để tham vấn các bên liên quan trong việc cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các cơ sở hạ tầng này.
Tại hội thảo bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Ban kinh tế ngân sách – Hội đồng nhân dân thành phố cho biết "Ngân sách có trách nhiệm giới đã được thành phố quan tâm và thúc đẩy để các ban ngành cụ thể thấy được trò quan then chốt của họ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, cụ thể qua những sáng kiến rất đời thường nhưng có tính thực tiễn cao và có nhiều ý nghĩa với các cá nhân và cộng đồng, ví dụ như chủ đề cải tạo nhà vệ sinh công cộng hôm nay. Những công việc này cho thấy bình đẳng giới là công việc của tất cả mọi người". Hội thảo sẽ đóng góp trực tiếp vào kế hoạch tổng thể của Quận 10 về cải tạo cơ sở hạ tầng, trước mắt là cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh công cộng trong trường học và các chợ truyền thống, đảm bảo không gian công cộng an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em.
Từ năm 2015 đến nay, TP.Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đầu tiên của Việt Nam có cam kết thúc đẩy và thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới. Với sự hỗ trợ kĩ thuật của UN Women Việt Nam, các cam kết của thành phố đã được cụ thể hóa qua nhiều hoạt động: xây dựng công cụ hướng dẫn cho đại biểu Hội đồng nhân dân, hướng dẫn thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới trong lĩnh vực giao thông vận tải với mục tiêu hướng đến xây dựng một thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái như một thương hiệu của thành phố. Các bài học của TP. Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới đã được chia sẻ với Quốc hội và các bộ ngành liên quan nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Ngân sách của Việt Nam trong thực tế.