Báo cáo hội nghị cho thấy, trong năm 2015 toàn thành phố đã có 11.549/9000 LĐNT được đào tạo nghề, đạt 128,3% so với kế hoạch; trong đó có 5.498 người học nghề nông nghiệp, 5.822 người học nghề phi nông nghiệp. Số LĐNT đã học xong có việc làm đạt tỷ lệ 92,7%.
Đạt được kết quả đó TP. Hồ Chí Minh đã triển khai rất nhiều hoạt động, trong tập trung hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT. Bên cạnh đó rà soát, cập nhật bổ sung, đánh giá xác định nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Hiện TP. Hồ Chí Minh có 22 cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục tham gia dạy nghề cho LĐNT với cơ sở vật chất và trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động đào tạo. Đồng thời phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề. Phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề. Trong năm đã đào tạo hơn 120 giáo viên dạy nghề. Nhiều mô hình dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả...
Ảnh minh hoạ (nguồn internet).
Trên cơ sở căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của từng địa phương và vận dụng kết hợp nhiều phương thức đào tạo nên đã có nhiều mô hình dạy nghề cho LĐNT tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả. Tại huyện Nhà Bè các phương thức đào tạo nghề được ứng dụng linh hoạt như: Gắn kết các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn để đào tạo nghề , giúp học viên được tiếp cận công việc thực tế và có thêm thu nhập trong quá trình học nghề.
Bên cạnh đó, phương thức phối hợp với các cơ sở, doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động trực tiếp làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có điều kiện tham gia học nghề và nắm bắt quy trình sản xuất của đơn vị cũng đạt hiệu quả cao.
Trao đổi tại hội nghị, chị Võ Thị Hoa, sinh năm 1961, số nhà 8/27 ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết: Trước đây cuộc sống gia đình chị sống bằng nghề trồng lúa và buôn bán gia cầm, tuy nhiên sau khi dịch cúm gia cầm xảy ra gia đình chị và 1 số gia đình khác gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình chị chuyển qua nhận nấu tiệc cho một số đám hỏi, cưới vừa và nhỏ trong địa bàn xã. Đến năm 2013, chị được vận động tham gia lớp học nấu ăn. Lúc đầu chị không mặn mà vì cho rằng mình đã lớn tuổi, học cũng không có hiệu quả.
Nhưng trước sự nhiệt tình phân tích của các đoàn thể, chị đăng ký tham gia lớp học sơ cấp nghề nấu ăn với một số kiến thức trong nấu ăn, một số món ăn Âu, Á cho các buổi tiệc do UBND xã phối hợp với Nhà Văn hóa phụ nữ thành phố tổ chức. Sau khi học nghề chị đã tự tin huy động một số chị em đã học chung khóa sơ cấp nghề thành lập nhóm nấu ăn Năm Thật, gồm 10 chị em.
Với những kiến thức đã học về cách chế biến món ăn đa dạng, phong phú, ngon, giá cả hợp lý, đặc biệt những kiến thức về VSAT thực phẩm nhóm đã tạo uy tín và mở rộng quy mô nhận những đám tiệc lớn, hợp đồng nấu ăn công nghiệp, địa bàn nấu tiệc cũng được mở rộng ngoài địa bàn xã và huyện. Hiện nay nhóm nấu Năm Thật ngoài 10 chị em có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng, còn giải quyết lao động thời vụ cho khoảng 12 bạn sinh viên.