Theo đó, bậc mầm non tăng 5.140 học sinh, tiểu học tăng 31.517 học sinh, THPT tăng 1.015 học sinh, riêng THCS giảm 6.733 học sinh.
Số học sinh tiếp tục tăng nhiều ở cấp tiểu học, tập trung tại thành phố Thủ Đức và Quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh do trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Cũng theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020 - 2021, số học sinh không có hộ khẩu TP.HCM là 373.624 (chiếm 22.2%).
Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (ở cấp tiểu học), học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Bên cạnh đó, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp. Việc gia tăng số học sinh dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách Thành phố.
Liên quan đến công tác đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới, dự kiến trong năm 2021, toàn ngành đưa vào sử dụng 51 dự án với 801 phòng học mới.
Qua đó, năm học 2021 - 2022, TP. HCM vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày vẫn chưa đạt như mong muốn, chưa thể đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là cấp học mầm non. Trong năm 2020 - 2021, đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học.